Thủy sản Việt Nam mỗi năm xuất khẩu vài trăm nghìn tấn các loại, dĩ nhiên, đó là những sản phẩm đã qua chế biến, phần ngon nhất là được đóng gói xuất đi và kèm với đó là hàng chục nghìn tấn phụ phẩm mà chúng ta chưa thể tận dụng.
Thiếu tận dụng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), một con cá tra có thể chế biến nhiều sản phẩm khác nhau, ngoài phần thịt cá làm fillet, còn phần da cá, bao tử, bong bóng, mỡ, thịt… cũng có thể sản xuất ra những sản phẩm khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết. Thừa nhận một điều, lâu nay, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu và sản phẩm được mua nhiều nhất là fillet cá tra, còn phụ phẩm là phụ phẩm như đúng tên gọi của nó – tức là bỏ đi.
Vừa rồi, tại một hội nghị liên quan đến cá tra tại Cần Thơ, đại diện Công ty CP Vĩnh Hoàn đã tặng diễn giả một phần quà là sản phẩm collagen. Đây là sản phẩm giá trị gia tăng chế biến từ cá tra và rất hiếm công ty thủy sản nào ở Việt Nam làm thêm sản phẩm liên quan đến phụ phẩm từ cá tra kiểu này. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, mỗi năm ngoài việc phải nhập vài triệu tấn bắp (ngô), đậu tương (đậu nành) để sản xuất thức ăn chăn nuôi, Việt Nam còn nhập một số lượng lớn bột cá, xương cá để phối trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Dầu được sản xuất từ mỡ cá tra
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lại chưa quan tâm nhiều đến nguồn phụ phẩm từ chế biến thủy sản tại chỗ. Lý do được đưa ra là đa phần phụ phẩm thủy sản tại các nhà máy đều ở dạng tươi nên phù hợp với những hộ nuôi cá, chăn nuôi mua về để chế biến làm thức ăn chăn nuôi ngay sau đó, còn các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể dùng được vì cái họ cần là những phụ phẩm thủy sản khô và đã kiểm soát các yếu tố gây bệnh, giảm chất lượng sản phẩm như các loại nấm mốc.
Về mặt công nghệ, có thể nói, đối với Việt Nam không gặp khó khăn gì. Bằng chứng, ở một số trường đại học có liên quan đến nông nghiệp, thủy sản, các sinh viên ít nhất đã hơn một lần tiếp xúc với khái niệm này. Tuy nhiên, với nhiều lý do, chỉ có một số ít doanh nghiệp thủy sản tận dụng được “mỏ vàng” này, còn lại vẫn xem phụ phẩm như thứ không có giá trị, tận dụng được chừng nào hay chừng đó.
Năng học hỏi
Nhìn vào ngành công nghiệp chế biến thủy sản của thế giới sẽ thấy, hiện tại nhiều quốc gia biết tận dụng phụ phẩm của ngành chế biến thủy sản để thu ngoại tệ. Ở châu Âu như Iceland và Na Uy tận dụng trứng cá tuyết, một sản phẩm thủy sản đang cạnh tranh với con cá tra Việt Nam để đóng hộp, làm tương ăn với bánh mì. Ngoài ra, hai quốc gia này còn dùng trứng cá để sản xuất Omega-3.
Đối với Na Uy, quốc gia đang chiếm thị phần lớn nhất thế giới về xuất khẩu cá hồi cũng biết tận dụng phụ phẩm của con cá hồi để sản xuất ra những mặt hàng khác nhau. Theo một báo cáo đưa ra năm 2010, trong số gần 46.000 tấn phụ phẩm từ chế biến cá hồi, có khoảng 25% phụ phẩm như đầu, vây, xương, thịt thừa đã được các công ty chế biến thành chả cá, xúc xích với những thương hiệu khác nhau, còn lại 75% là dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Làm sao để tận dụng phụ phẩm trong chế biến thủy sản vẫn là một câu hỏi không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực cũng từng đặt ra từ những năm trước. Theo tờ BangkokPost, hiện mỗi năm, phụ phẩm từ ngành chế biến cá ngừ đường Thái Lan đưa vào làm dầu cá và mỗi năm sản xuất được khoảng 2.000 tấn. Đây là dòng sản phẩm cấp cao dùng cho con người. Dầu cá ngừ có chứa 25 -30% là axit docosahexaenoic (DHA), và thậm chí là cả axit eicosapentanoic (EPA), chúng thường được bổ sung trong các thực phẩm phổ biến như bánh mì, sữa chua, sữa và sữa công thức cho trẻ sơ sinh.
Việt Nam mỗi năm đánh bắt khoảng 18.000 tấn cá ngừ các loại, đó là chưa kể, Việt Nam nhập một lượng khá lớn để chế biến xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam đã bỏ đi một nguồn thực phẩm quý giá đáng ra có thể thu về một nguồn ngoại tệ đáng kể.
>> Phụ phẩm ngành thủy sản luôn là nguồn nguyên liệu giàu giá trị cho ngành chế biến thủy sản; bởi, có rất nhiều đơn vị đã biết tận dụng lợi thế này để tạo các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát huy triệt để nguồn lợi này vẫn còn một chặng đường khá dài. |