(TSVN) – Từ đầu năm 2022, cả thế giới đã dần mở cửa, nâng nhu cầu tiêu thụ thủy sản lên cao, các phân khúc hầu như hồi phục rất mạnh. Điều này đã mở ra rất nhiều triển vọng cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng kèm với đó cũng là các thách thức không nhỏ, cần phải được tháo gỡ nhanh chóng, kịp thời.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, khối lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong hầu hết các loài đều tăng mạnh so với cùng kỳ, các thị trường chính cũng tăng 2 – 3 con số, tạo nên một bức tranh tăng trưởng đa sắc.
Cụ thể, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 85 thị trường, mang về doanh thu trên 1,8 tỷ USD, tăng 41% so cùng kỳ năm 2021. Các thị trường lớn nhất tiêu thụ tôm Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu tôm. Trong đó, Trung Quốc tăng mạnh nhất 130%. Ngoài ra, xuất khẩu sang khối EU chiếm 16%, đạt 304 triệu USD, tăng 51%; với những thị trường tăng trưởng mạnh trong khối gồm: Hà Lan tăng 58%, Đức tăng 35%, Bỉ tăng 91%, Pháp 42%…
Nguồn: VASEP; Đồ họa: TSVN
Cũng trong 5 tháng đầu năm, cá tra Việt Nam được xuất sang 120 thị trường, đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 90% so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ là 2 thị trường trụ cột, chiếm tỷ trọng lần lượt là 29,2% và 25,6%. Cả hai thị trường đều ghi nhận tăng trưởng 3 con số trong khoảng thời gian này: Trung Quốc – Hồng Kông tăng 129% đạt 353 triệu USD, Mỹ tăng 131% đạt hơn 310 triệu USD. Mexico, Thái Lan, Brazil, Hà Lan và Canada là 5 thị trường tiếp theo của ngành cá tra, tăng từ 51 – 86%. Trừ xuất khẩu sang Nga giảm 29%, còn lại tất các thị trường khác đều tăng nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Nhóm sản phẩm cá tra fillet, cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) chiếm hơn 88%, tăng gấp gần 2 lần so cùng kỳ năm 2021, đạt trên 1 tỷ USD; cá tra tươi/nguyên con/khô mã HS 03 (trừ HS0304) chiếm gần 10,7%, tăng 43% đạt 123 triệu USD; còn lại cá tra chế biến (cá tra tẩm bột, da cá, bao tử cá…) chiếm 1,1%, tăng 60% đạt 16 triệu USD.
Với 90 thị trường nhập khẩu, trong 5 tháng qua, kim ngạch mà ngành hàng cá ngừ mang lại là trên 462 triệu USD, tăng 59% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng chi phối 54% giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, với doanh số 251 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ. Riêng sản phẩm cá ngừ loin, fillet đông lạnh sang Mỹ chiếm 73% xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này và chiếm 58% tổng xuất khẩu dòng sản phẩm này của Việt Nam.
Từ tháng 1 – 5/2022, xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam đạt 276 triệu USD, tăng 28% cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu mực chiếm 56% đạt 154 triệu USD, tăng 38%; xuất khẩu bạch tuộc chiếm 44% đạt 122 triệu USD, tăng 16%. Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chiếm tỷ trọng nổi trội trong các thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, chiếm lần lượt 35% và 23%. Đứng thứ 3 là Trung Quốc chiếm 10% nhưng có tăng trưởng cao 129%. Xuất khẩu sang Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Israel cũng tăng rất mạnh: lần lượt ghi nhận tăng trưởng 73%, 209%, 95% và 174%.
Mặc dù có rất nhiều cơ hội rộng mở cho hoạt động xuất khẩu thủy sản, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải cảnh giác với tình hình thiếu nguyên liệu. Dự báo trong quý III/2022 có thể sẽ thiếu tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu do thời tiết xấu, dịch bệnh làm giảm sản lượng. Với hải sản khai thác, do giá xăng dầu tăng, ngư dân các tỉnh không dám ra khơi vì lỗ chi phí dẫn đến nguyên liệu ngày càng khó khăn. Cước vận tải biển tăng gấp 6 – 10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển cũng là một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Tại Mỹ, xu hướng nguyên liệu thủy sản từ các nước tăng mạnh có thể sẽ đẩy giá nhập khẩu giảm; cạnh tranh giữa các nhà cung cấp rất mạnh; tồn kho nhiều và giá cả có xu hướng giảm khiến các nhà nhập khẩu dè dặt hơn trong việc mua số lượng lớn; đợt mua hàng lớn tiếp theo sẽ vào khoảng đầu quý III/2022 để chuẩn bị cho lễ Tạ ơn.
Tại Trung Quốc, thị trường này sẽ tiếp tục bị chi phối bởi dịch COVID-19. Đại dịch dẫn đến một số thay đổi trên thị trường như nhà hàng bị hạn chế, tiêu thụ kênh nhà hàng giảm; thay đổi kênh phân phối, thu hẹp kênh phân phối truyền thống (siêu thị, cửa hàng) và mở rộng nền tảng thương mại điện tử.
Tại EU, người dân tại khối này ngày càng ưa chuộng sản phẩm cá thịt trắng vì yếu tố sức khỏe, trong khi ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản ngày càng cao nên cơ hội cho cá nuôi nhập đang ngày càng lớn. Nhu cầu thủy sản bền vững và hữu cơ gia tăng.
Anh Thư