Xuất khẩu tôm tháng 1/2022 tăng 2,26% so cùng kỳ năm 2021

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo ước tính, tháng 1/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục tăng nhưng tốc độ không cao do trùng dịp nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, đạt 26.000 tấn, trị giá 225 triệu USD, tăng 2,65% về lượng và tăng 2,26% về trị giá so cùng kỳ năm 2021.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và khó lường với biến chủng mới, nhưng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của thế giới năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành tôm Việt Nam. Trong thời gian tới, tôm sẽ tiếp tục là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Việt Nam. 

Hiện nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt trên 740.000 ha với sản lượng trên 900 nghìn tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú Việt Nam đạt trên 250 nghìn tấn, đứng đầu thế giới. Dù diện tích nuôi tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm, nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm trong những năm vừa qua. Điều này cho thấy quy trình nuôi tôm đã có sự cải thiện, năng suất cao hơn so với trước đây. Trên cơ sở đó, VASEP nhận định trong vài năm tới, ngành tôm còn nhiều động lực để tăng trưởng, giai đoạn 2022 – 2025 có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD. 

Với ngành công nghiệp chế biến tôm thuộc top đầu trên thế giới, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho con tôm Việt Nam. Ảnh: Thanh Cường

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản CAFATEX thông tin, năm nay các dự báo về thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật hay EU đều khả quan và thuận lợi nên có thể xem là năm bản lề cho sự phát triển, giúp Việt Nam trở thành nước sản xuất tôm lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. Hiện nay trình độ chế biến của Việt Nam là hàng đầu thế giới nên tốc độ phát triển sẽ rất nhanh, thời gian ngắn lại. Nếu tính riêng về năng lực chế biến, đóng gói thì Việt Nam đang đứng đầu. Các nước như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador sản lượng cao nhưng năng lực chế biến chưa bằng Việt Nam. Chính vì vậy, 3 nước này tuy dẫn đầu về nguồn cung cho thị trường Mỹ nhưng giá bán bình quân vẫn thấp hơn tôm Việt Nam. Ngay cả Thái Lan, trước là hình mẫu để Việt Nam học tập thì nay năng lực chế biến và sản xuất cũng không bằng, ông Kịch nhận định.

Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp ngành tôm cần chú ý để vượt qua các rào cản ở các thị trường quan trọng như: vụ kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ; quy định kiểm tra của Nhật Bản đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam; sản phẩm tôm vào thị trường EU còn hạn chế do số lượng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng ASC (Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản) còn thấp. Sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như Ecuador và Ấn Độ. Tại Ecuador chỉ có 250.000 ha nuôi tôm, nhưng sản lượng tương đương Việt Nam. Do đó, giá thành tôm nuôi của Ecuador chỉ bằng 1/2 – 1/3 của Việt Nam. Giá thành nuôi tôm của Ấn Độ cũng thấp hơn Việt Nam từ 20 – 30%, bởi tôm được thả với mật độ thấp chỉ 30 – 60 con/m2 nên môi trường ít bị ô nhiễm, tỷ lệ sống cao, giá nhân công thấp.

Trong những năm qua, mặc dù tôm của Việt Nam có giá thành cao, nhưng vẫn xuất khẩu thành công do có công nghệ chế biến tôm đứng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng cao cấp, giá trị gia tăng cao, sản phẩm ăn liền. Tuy nhiên, lợi thế này nhiều khả năng sẽ không còn trong thời gian tới do các nước cung cấp tôm lớn khác cũng đang có xu hướng nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm tôm xuất khẩu. Do đó, ngành tôm cần nghiên cứu thay đổi quy trình nuôi nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

>> Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!