Xuất khẩu tôm và cá tra 8 tháng qua tăng ấn tượng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong tháng 8 và 8 tháng năm 2024, xuất khẩu nông của cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 40,08 tỷ USD, nhập khẩu 28,28 tỷ USD, xuất siêu 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với T8/2023; trong đó, nông sản chính 2,99 tỷ USD (tăng 22,6%), thủy sản đạt 900 triệu USD (tăng 5%). 

Tính chung 8 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6%. Đóng góp vào kết quả này thủy sản đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm đạt 2,41 tỷ USD (tăng 9,5%); cá tra 1,2 tỷ USD (tăng 8,2%).

Chiều 04/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin báo chí về tình hình phát triển ngành nông nghiệp trong 8 tháng đầu năm. Ảnh: Thùy Khánh.

Giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng. Trong đó, châu Á 19 tỷ USD (tăng 15,7%); châu Mỹ 9,3 tỷ USD (tăng 22,3%); châu Âu 4,8 tỷ USD (tăng 30,5%); châu Phi 747 triệu USD (tăng 5,5%) và châu Đại Dương 563 triệu USD (tăng 12,8%). Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5%; Trung Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6%.

Trong tháng 8, giá cả trong nước tương đối ổn định, một số mặt hàng giảm nhẹ so với tháng trước. Giá thu mua tôm thẻ nguyên liệu bình quân ở mức 83.625 đồng/kg, giảm 2.500 đồng/kg. Riêng cá tra nguyên liệu có xu hướng tăng nhẹ do nguồn cung giảm.

Về kế hoạch trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi…

Bên cạnh đó, tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. 

Liên quan đến các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp (IUU), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, so với 4 lần thanh tra trước, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, xử lý vi phạm pháp luật cũng tạo được tính răn đe. Chúng ta đã xử lý và truy tố 11 vụ án hình sự, tạo sức răn đe với các đối tượng đưa người đi khai thác ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, việc truy xuất điện tử hiện cũng được thực hiện ở hơn 70 cảng cá. Đó là những điểm nhấn cần được phát huy. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, chúng ta cần phải nhìn nhận thẳng vào vấn đề, cụ thể là những khuyến nghị của EC với những tồn tại nhất định như quản lý tàu, giám sát đội tàu, xử lý vi phạm hành chính,… 

“Chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào khu vực quốc tế thì bắt buộc phải tuân thủ những nguyên tắc, những quy định của người ta đặt ra, không phải chỉ với riêng Châu Âu mà với tất cả các quốc gia. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư cùng với các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ hơn nữa công tác chống IUU”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!