(TSVN) – Theo NOAA, nhập khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 9, đánh dấu 3 tháng tăng liên tiếp sau 13 tháng sụt giảm không ngừng.
Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập khẩu 70.727 tấn tôm trong tháng 9, trị giá 578,4 triệu USD, tăng 9% về lượng, giảm 2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (65.122 tấn, 593,5 triệu USD). Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Mỹ ghi nhận nhập khẩu tôm tăng trưởng sau khoảng thời gian dài 13 tháng xuống dốc không phanh. Dù giá trung bình chỉ đạt 8,19 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 (9,11 USD/kg), nhưng khoảng cách giảm đã thu hẹp dần qua các tháng.
Xuất khẩu tôm vào Mỹ có dấu hiệu khả quan
Tính chung 3 quý đầu năm, Mỹ nhập khẩu 575.538 tấn tôm, trị giá 4,7 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (645.581 tấn, 6,1 tỷ USD). Giá xuất khẩu trung bình của 9 tháng đầu năm đạt 8,25 USD/kg, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước (9,42 USD/kg).
Ấn Độ vẫn là nguồn cung tôm hàng đầu của Mỹ, với 28.992 tấn, trị giá 226,3 triệu USD được xuất cảng trong tháng 9/2023, tăng 6% về lượng nhưng giảm 5% về doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình đạt 7.81 USD/kg, giảm 11%. Tính chung 9 tháng đầu năm, Ấn Độ xuất khẩu 215.305 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 1,7 tỷ USD, giảm 7% về lượng và 20% về giá trị.
Ấn Độ là một trong bốn quốc gia có tên trong đơn yêu cầu bị áp thuế chống bán phá giá và/hoặc thuế đối kháng, cùng với ba quốc gia khác là Ecuador, Indonesia, Việt Nam. Đơn này đã được Hiệp hội Chế biến Tôm Mỹ (ASPA) đã trình lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) vào ngày 25/10/2023.
Ecuador đã có bước tiến mới trong tháng 9 khi xuất khẩu 18.504 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 125,9 triệu USD, tăng 22% về lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình đạt 6,81 USD/kg, giảm 11% (7,69 USD/kg). Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Mỹ (154.406 tấn) gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước (154.179 tấn), chỉ ít hơn 1% về lượng, nhưng về giá trị vẫn giảm 11% (1.0 tỷ USD so với 1,2 tỷ USD).
Trái ngược với các nguồn cung tôm chính của Mỹ, Indonesia có vẻ bị lỡ nhịp khi khối lượng tôm xuất sang Mỹ trong tháng 9 giảm 9%, giá trị giảm 20%, chỉ có 9.557 tấn tôm (trị giá 78 triệu USD) xuất cảng. Trước đó Indonesia đã để mất vị trí nhà cung cấp tôm lớn thứ 2 của Mỹ vào tay Ecuador. Tính chung 9 tháng đầu năm, Indonesia xuất khẩu 107.068 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 872,4 triệu USD, giảm 17% về lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)