Xuất khẩu tôm Việt Nam: Gian nan tìm “bến đỗ”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trong 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 798 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng này dường như còn quá khiêm tốn và nếu không có những giải pháp kịp thời thì mục tiêu 2,5 tỷ USD cho xuất khẩu tôm năm 2012 sẽ trở nên xa vời.

Cạnh tranh về giá

Chưa khi nào các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam lại than khó nhiều như hiện nay. Xuất khẩu tôm đang rơi vào tình thế rất khó khăn khi giá bán thậm chí thấp hơn giá nguyên liệu đầu vào.

Nguyên nhân một phần là do nguồn cung tôm nguyên liệu khan hiếm, doanh nghiệp phải thu mua với giá cao. Mặt khác là do sức ép cạnh tranh từ quốc gia sản xuất tôm khác trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador trúng mùa đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam vào tình thế khó khi buộc phải bán với giá ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh này.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang rơi vào tình thế khó khi buộc phải bán giá ngang bằng hoặc thấp hơn đối thủ cạnh

Trong Hội nghị toàn thể ngành thủy sản do VASEP tổ chức ngày 12/6/2012, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, công ty ông hiện đang chào giá bán tôm ở mức thấp hơn cả chi phí sản xuất nhưng vẫn không có người mua. “Nhiều khách hàng hỏi giá nhưng chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ vì hầu như không có lời. Đến khi đồng ý bán thì họ lại thay đổi ý định không mua nữa vì đã có nguồn cung cấp rẻ hơn, ông Lĩnh cho biết thêm.

 

Nguy cơ mất thị trường lớn nhất

5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với giá trị đạt hơn 216 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam khi chiếm đến 27,1% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng là một trong những thị trường mà tôm Việt Nam phải đối diện với nhiều rào cản nhất.

Nguồn: Vasep

 Mới đây, phía Nhật Bản lại thông báo tăng tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Với tiêu chuẩn kiểm soát Ethoxyquin 0,01ppm mà chỉ có duy nhất tôm Việt Nam phải chịu từ phía Nhật Bản thì chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta sẽ gặp khó trong việc thâm nhập vào thị trường này.       

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc VASEP cảnh báo, tình trạng tôm nhiễm tạp chất bị các thị trường xuất khẩu trả về ngày càng tăng, đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang có nguy cơ mất thị trường Nhật Bản, thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất và cũng là thị trường bán có giá nhất của doanh nghiệp tôm Việt Nam.

 

Chuyển hướng

Những năm trước đây, EU, Mỹ, Nhật Bản luôn được xem là những thị trường chủ lực của tôm Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2012 đến nay, xuất khẩu tôm sang những thị trường này đều gặp khó. Kim ngạch xuất khẩu sang EU liên tục sụt giảm, sang Mỹ đạt mức tăng trưởng thấp, sang Nhật Bản tuy có khả quan nhưng lại vướng nhiều rào cản. Do đó, việc tìm kiếm và chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường mới tiềm năng là điều các doanh nghiệp cần quan tâm, đặc biệt là thị trường châu Á.

Nửa đầu năm 2012, châu Á nổi lên như là điểm đến đầy hứa hẹn cho tôm Việt Nam nhờ nhu cầu tiêu thụ cao, khả năng thanh toán tốt, có lợi thế về vị trí địa lý… 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường châu Á vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng. Giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 90 triệu USD, tăng 2,1%; Hàn Quốc đạt 62,8 triệu USD, tăng 25,3%; Đài Loan đạt hơn 23 triệu USD, tăng 8,3%; ASEAN đạt 13,5 triệu USD, tăng 6,0%…

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới, cũng cần mạnh tay hơn về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất con giống đến nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Rà soát lại danh mục các loại hóa chất sử dụng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và có văn bản cấm sử dụng các chất gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và xuất khẩu thủy sản.

>> Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thuận Phước cho biết, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đang giảm từ 1 – 1,5 USD/kg, thấp hơn giá thành mà vẫn khó bán. Do giá tôm của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… liên tục hạ xuống, gây áp lực cạnh tranh trên trường quốc tế, làm cho mặt hàng tôm của Việt Nam đã khó càng thêm khó.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!