(TSVN) – Không còn là thị trường “dễ tính”, Trung Quốc hiện đang siết chặt các quy định về quản lý, kiểm soát nhập khẩu, nhất là mặt hàng nông sản, thủy sản; đòi hỏi chất lượng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn cao và truy xuất nguồn gốc.
Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giai đoạn sau COVID-19; do Bộ Công thương và UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức ngày 27/4.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá, Trung Quốc là thị trường lớn, hấp dẫn, đầy tiềm năng với hơn 1,4 tỷ người. Sự thay đổi của người dân trong thói quen tiêu dùng cũng như yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa nên Trung Quốc đã và đang xây dựng nền thương mại chất lượng cao, đi kèm với đó là những chính sách quản lý, tiêu chuẩn đưa ra ngày càng nghiêm ngặt hơn. Điều đó tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đối với nông sản, thủy sản. Đây là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều địa phương, trong đó có Đồng Tháp.
Tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay khi thúc đẩy nông sản sang Trung Quốc. Ảnh LHV
Các doanh nghiệp cho biết, hiện nay với việc thực thi chính sách “Zero COVID-19” của Trung Quốc đã có nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Vì vậy, nhằm tạo sự thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, kiến nghị Bộ Công thương tăng cường hỗ trợ về công tác đàm phán khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Cùng đó, đề xuất Bộ Công thương cần có những cập nhật thông tin kịp thời về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, để người sản xuất có những điều chính về canh tác kịp thời, phù hợp với thị trường nhập khẩu.
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) nhận định, không có khái niệm xuất khẩu “tiểu ngạch”, thực chất đây là hình thức doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu dưới dạng trao đổi cư dân biên giới nhằm tận dụng ưu đãi. Hình thức này thường trực nguy cơ ùn tắc hàng hóa vào các dịp cao điểm, hoặc Trung Quốc áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý cửa khẩu. Nguy cơ bị lừa đảo thanh toán và ép giá do không có hợp đồng rõ ràng, gây khó khăn cho công tác mở cửa thị trường của cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của hàng Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra nhiều khuyến cáo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương để đáp ứng những tiêu chuẩn mới, xuất khẩu hàng hóa chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số mặt hàng nông sản phụ thuộc hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Điều này dẫn tới rất nhiều yếu tố bị động, bất cập trong quá trình xuất khẩu nông sản, thủy sản, gây tổn thất kinh tế và các hệ lụy xã hội khác đối với doanh nghiệp và người dân. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc tìm giải pháp để nông sản, thủy sản đáp ứng tốt hơn yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc, tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Vân Anh