(TSVN) – Cua tuyết là sản phẩm giá trị, có thể mang lại doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm cho ngư dân. Nhưng nghề săn cua tuyết cũng lắm gian nan, đôi khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
Qua cửa sổ buồng lái, thuyền trưởng Mark Casto phát hiện một vạch trắng ở đường chân trời. Lờ mờ phía xa làn nước biển Bering là rìa một tảng băng trôi được chiếu sáng bởi những ngọn đèn hình cánh cung.
Thuyền trưởng Mark Casto điều hướng Pinnacle vượt qua tảng băng ở phía Bắc đảo St.Paul. Họ luôn phải đề phòng những tảng băng đôi khi không thể nhìn thấy trên radar. Băng làm hỏng phao, tăng nguy cơ mất mồi cua.
Ông điều chỉnh lại động cơ, lái con tàu Pinnacle lao qua những tảng băng trôi giống như miếng bánh kếp xen kẽ những khối lởm chởm. Một số có kích thước bằng những tảng đá, bồng bềnh theo dòng nước rồi va vào thân tàu. Casto và thủy thủ đoàn đã mạo hiểm tiến thêm 200 dặm đến khu vực phía Bắc của biển Bering để tiếp tục hành trình săn cua tuyết. Đây là một ngư trường đã được ngư dân phát hiện và khai thác từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng do biến đổi khí hậu làm đại dương nóng lên, quần thể cua tuyết đã sụt giảm nghiêm trọng tại các ngư trường truyền thống ngoài khơi quần đảo Pribilof.
Tàu Pinnacle đang vượt qua tảng băng trên biển Berring, tây nam đảo St.Matthey. Đại dương nóng lên đang gây nguy hiểm cho nghề đánh bắt hải sản của Alaska.
Casto là một ngư dân Seattle, làm nghề khai thác cua tuyết đã mấy chục năm. Trước mỗi chuyến ra khơi, ông đều hi vọng sẽ trúng đậm lộc biển Bering. Tuy nhiên nếu gặp nhiều băng trôi, Casto có thể mất toàn bộ mồi bẫy cua và phải thay đổi kế hoạch để di chuyển đến ngư trường khác. Ngành khai thác hải sản Alaska từng phát triển hùng hậu vào đầu thập niên 1990 với sản lượng hơn 300 triệu pound cua tuyết. Nhưng tới năm 2022, sản lượng cua tuyết của Alaska chỉ còn 5,6 triệu pound, giảm gần 90% so với năm 2021.
Mỗi chuyến ra khơi, tàu Pinnacle thường chuẩn bị hơn 150 lồng bẫy cua và xếp dọc đáy bờ biển.
Băng trên biển vào mùa đông là “đồng minh” của cua tuyết. Nó giúp phát triển tảo, vừa làm thức ăn và nơi trú ẩn an toàn cho cua tuyết tránh những kẻ săn mồi. Các nhà khoa học dự báo lớp băng trên biển Bering sẽ tan dần trong thế kỷ 21, nơi khí nhà kính bị thúc đẩy bởi quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch trên đất liền, trong không khí và trên biển, làm trái đất ấm lên không đồng đều. Nhiệt độ ở các vùng Bắc cực và cận Bắc cực của biển Bering đang tăng lên nhanh hơn so với các vùng phía Nam. “Nguyên nhân do con người”, Mike Litzow, nhà sinh vật học tại Kodiak cho biết.
Thuyền viên của Pinnacle đang hàn thanh hỗ trợ cần cẩu trên tàu. Chi phí bảo trì tàu Pinnacle lên đến 500.000 USD mỗi năm.
Casto kể lại, chuyến ra khơi đánh bắt cua tuyết giống một cuộc chiến. Họ liên tục đối mặt với bão tuyết, xen kẽ những đợt nắng buộc tàu phải neo đậu tại vịnh Captain, Unalaska. Gió mạnh xuyên qua găng khiến cả bảy thuyền viên trên tàu bị tê cóng ngón tay khi làm việc trên biển.
Một thuyền viên đang gỡ tấm bạt ra khỏi lồng bẫy cua. Bạt giữ cho nước không đóng băng trong lồng cua, hạn chế nguy cơ lật tàu.
Mỗi chuyến ra khơi, cả đoàn chuẩn bị hơn 150 lồng bẫy cua và xếp dọc đáy bờ biển kế bên những ngọn núi phủ đầy tuyết. Lồng bẫy cua có thiết kế khung thép, gắn phao và dây câu. Tàu Pinnacle là một thành viên tích cực trong đội khai thác cua biển Bering nhiều thập kỷ qua. Casto chia sẻ, con tàu đạt doanh thu hơn 200 triệu USD hàng năm từ nghề khai thác cua tuyết, cua huỳnh đế và nhiều loại giáp xác khác.
Thuyền viên sử dụng búa khoan để dọn dẹp băng trên mũi tàu Pinnacle
Cua tuyết do Pinnacle đánh bắt trong mùa đông có kích thước nhỏ hơn cua huỳnh đế đỏ và được bán thành từng chùm trong siêu thị hoặc nhà hàng hải sản như Red Lobster. Vào năm 2021, trước khi hạn ngạch bị cắt giảm, Pinnacle khai thác được 1,6 triệu pound cua tuyết, thu về 7 triệu USD. Nhưng tới năm 2022, tàu Pinnacle được cấp hạn ngạch 209.000 pound, và chỉ cần ra khơi 1, 2 chuyến là hết hạn ngạch. Nghề đánh bắt cua tuyết ngày càng khó khăn hơn, Casto chia sẻ.
Mỗi lồng bẫy cua có thể thu được 1000 con, nhưng loại cua cỡ này ngày càng khan hiếm.
Cá tuyết lẫn trong lồng cua, được tận dụng làm mồi bẫy cua.
Vào vụ săn cua tuyết mùa đông, các đội tàu thường di chuyển về phía Bắc để tìm những con cua đực cỡ lớn, cũng là mặt hàng bán được giá nhất. Băng hình thành sớm, khiến nhiều ngư trường rộng lớn bị đóng cửa. Thuyền trưởng Casto thường “nguyền rủa” băng như một vật cản đường, bởi nó có thể khiến họ ra về tay trắng sau nhiều ngày bám biển. Nhưng đối với ngành cua tuyết nói chung, băng biển mùa đông là một dấu hiệu hi vọng về sự hồi sinh ngắn hạn của quần thể cua tuyết. Casto nói rằng, họ hiểu được sự tàn khốc của biến đổi khí hậu có thể hủy hoại sinh kế của ngư dân và chỉ mong nhiệt độ biển Berring trở lại bình thường.
Tuấn Minh
(Theo Anchorage Daily News)