Ý kiến nhà nông: Cấm nuôi tôm thẻ là phi thực tế

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp loài tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương vào danh mục sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại đang gây băn khoăn trong dư luận cả nước. Từ nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý nông nghiệp đều không hiểu nổi Bộ TN&MT cơn cớ nào lại “cấm cửa” hai đối tượng nuôi mới thực sự làm giàu cho nhà nông. Theo họ, “lệnh cấm” này là phi thực tế.

Loài tôm sinh tỷ phú

Ghi nhận của chúng tôi, con tôm thẻ chân trắng (tôm thẻ) đã thực sự đổi đời cho hàng vạn hộ dân vùng biển khắp mọi miền. Năm nay, tôm thẻ được mùa chưa từng có. Và, Bộ TN&MT sẽ nghĩ gì khi chính loài nuôi bị coi là “sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại” này đang cứu cánh cho hàng nghìn, hàng vạn, hàng chục vạn nông dân vươn lên giàu có, trở thành những tỷ phú. Bước qua một vụ tôm thẻ được mùa, nhắc đến nó, nhà nông thốt lên hai chữ: chịu ơn!

Tại Nghệ An, vụ tôm năm nay Quỳnh Lưu là huyện thả nuôi lớn nhất tỉnh – 847 ha, trong đó diện tích tôm thẻ 650 ha. Năm nay, Quỳnh Lưu trúng đậm tôm thẻ (4.500 tấn). Năng suất bình quân trên ao thực nuôi 10 tấn/ha/vụ, cá biệt có hàng chục hộ đạt năng suất 20 đến 24 tấn/ha/vụ.

Chúng tôi ghé vào nhà ông Vũ Văn Đức, tại xóm 7, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu khi ông vừa xuất bán xong gần 1 tấn tôm. Thấy khách đến, ông vào nhà pha nước rồi phấn khởi cho biết: Dân Quỳnh Xuân năm nay trúng đậm tôm thẻ chân trắng. Anh tính, toàn xã chỉ có 70 hộ nuôi tổng cộng 120 ha, 100% đều tôm chân trắng. Hộ nhiều nhất nuôi 2-3 ha, hộ thấp nhất cũng nuôi 1 ha. Có hơn chục hộ mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và đầu tư cao nên năng suất đạt 20 tấn/ha/vụ. Cá nhân ông Đức, diện tích ao thực nuôi 2 ha, thu ước gần 40 tấn tôm thương phẩm. Với mức giá bán từ 113.000 đến 115.000 đồng/kg vụ này gia đình ông thu về khoảng trên 4,5 tỷ đồng, lãi ròng 2 tỷ đồng.

Ở tỉnh miền Trung khác là Hà Tĩnh, nông dân nuôi tôm thẻ cũng đang phất lên như diều được gió.

Với người nông dân, con tôm TCT công vẫn nhiều hơn “tội”          Ảnh: Phan Thanh Cường

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Hà Tĩnh đã thành công từ nhiều năm nay. Hiện toàn tỉnh có 45 ha nuôi tôm trên ao cát lót bạt; mô hình sản xuất này có thể nuôi 3 vụ/năm; năng suất đạt từ 13-20 tấn/ha, doanh thu bình quân 2,5-3 tỷ/ha. Điều đặc biệt mô hình nuôi tôm trên ao cát lót bạt không những cho năng suất cao mà hạn chế được rủi ro dịch bệnh”.

Chúng tôi được ông Hoàng dẫn đi thực tế dọc theo bờ biển Hà Tĩnh với chiều dài hơn trăm cây số từ Đèo Ngang, huyện Kỳ Anh qua Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà ra mãi huyện Nghi Xuân. Đi đâu đến đâu ở các vùng biển ngang này chúng tôi đều bắt gặp những mô hình nuôi tôm thẻ trên cát, trên đầm hồ.

Ông Hồ Quang Dũng, một hộ nuôi tôm ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân phấn khởi: “Đây là năm thứ 2 gia đình tôi nuôi tôm trên ao cát lót bạt. Sau 2 năm nuôi tôm thẻ bằng công nghệ này, hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại có thể nói là không có nghề sản xuất nông nghiệp nào bằng, bởi năng suất thu hoạch bình quân luôn đạt 15-17 tấn/ha/vụ; doanh thu đạt 3-4 tỷ đồng/ha. Mỗi năm tôi nuôi 3 vụ trên tổng diện tích 3 ha cho thu trên dưới 10 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tôi còn lãi ròng hơn 4 tỷ đồng”.

Rời Nghi Xuân, chúng tôi trở lại Thạch Hà, nơi mà dư âm vẫn còn đó về thất bại của Công ty Việt Mỹ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở TP Hà Tĩnh, hộ đã mạnh dạn bỏ phố xuống biển để đầu tư nuôi tôm thẻ trên diện tích 20 ha, vùng đất tiếp nhận lại từ Công ty Việt Mỹ chuyển giao. Chị Hạnh tâm sự, 3 năm lần mò vay mượn để thực hiện nghề nuôi tôm trên cát, tiếp sau vết đổ của một công ty lớn bị thất bại, nhờ được sự quan tâm của tỉnh, huyện và địa phương, đặc biệt sự quan tâm của các nhà khoa học hướng dẫn cách nuôi cũng như cách chọn con giống, nên năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch của gia đình chị đạt từ 15 tấn/ha, tổng doanh thu bình quân đạt từ 35-40 tỷ đồng/2 vụ/năm, trừ tất cả chi phí còn lãi ròng từ 10-15 tỷ đồng/năm.

 

Có cấm, dân vẫn đành nuôi tiếp!

Nhiều hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm thẻ đem lại, có thể nói đến thời điểm này, Bộ TN&MT “cấm” dân nuôi là không thể!

Trước hết, về thời vụ, tôm thẻ đã ăn đứt tôm sú vì thời gian nuôi ngắn hơn nhiều. Tôm thẻ khoảng 45-50 ngày tuổi đã có thể xuất bán và mang lại lợi nhuận về cho gia chủ. Khi đạt thời vụ chuẩn là 2 tháng rưỡi, tôm thẻ có kích cỡ 80 con/kg, năng suất bình quân 8-10 tấn/ha. Với giá bán hiện nay ngay tại ao là 90.000-100.000 đồng/kg (loại 80 con/kg), sau khi trừ hết chi phí, nông dân lời 40.000-50.000 đồng/kg.

Vai trò của con tôm thẻ lớn như thế, nên khi nhắc tới việc loài tôm này đang nằm trong danh mục sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại của Bộ TN&MT, cả nông dân lẫn cán bộ chỉ đạo sản xuất đều rất không đồng tình. Họ nói thẳng: Cấm nuôi tôm thẻ là phi thực tế. Dân chúng tôi nếu không có tôm thẻ là đói, vì nếu không được nuôi tôm thẻ, chúng tôi sẽ chẳng biết phải nuôi con gì nữa? Chẳng lẽ lại phải nhắm mắt quay lại với con tôm sú khi mà ai cũng sợ nó lắm rồi.

So sánh về hiệu quả kinh tế giữa con tôm thẻ với con tôm sú, một nông dân tuôi tôm ở xã Phước Trung (Gò Công Đông, Tiền Giang) khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Ở đâu thì tôi không biết, chứ ở vùng này, tôm thẻ là hơn hẳn”.

Anh Bình – Thanh Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!