Yên Bái: Cá lồng sông Chảy chết nhiều – Trông chờ sự vào cuộc của các ngành chức năng

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong một vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng, nhất là nuôi cá lồng trên sông Chảy của các hộ dân thuộc thị trấn Thác Bà, xã Đại Minh, huyện Yên Bình (Yên Bái) phát triển khá mạnh đã góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 trở lại đây, nhất là trong những ngày cuối tháng 3/2011 cá nuôi trong lồng của các hộ dân cũng như cá tự nhiên trong sông Chảy chết hàng loạt. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi thủy sản đã khánh kiệt vì cá chết mà không rõ nguyên nhân.

Xã Đại Minh, huyện Yên Bình là một trong những địa phương phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá lồng trên sông Chảy. Theo các hộ dân ở đây nuôi cá lồng vốn đầu tư không lớn và kỹ thuật nuôi cũng đơn giản nhưng lại cho thu nhập cao hơn cây lúa rất nhiều. Để khuyến khích phát triển chăn nuôi thuỷ sản và đưa chăn nuôi thuỷ sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn nhất là nuôi cá lồng, năm 2010, các hộ đầu tư nuôi cá lồng sau khi được nghiệm thu, tỉnh, huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng.

Lợi nhuận cao cùng với sự khuyến khích của tỉnh, huyện và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thuỷ sản nên người dân có thêm niềm tin vào nuôi cá lồng. Riêng năm 2010, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh đã phát triển thêm 17 lồng cá, nâng tổng số lồng cá của 2 thôn Khả Lĩnh và Quyết Tiến lên 37 lồng cá, sản lượng đánh bắt mỗi lứa trên chục tấn cá thịt. Việc phát triển nuôi cá lồng đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xoá đói giảm nghèo nhanh người dân, nhiều hộ còn mua được ti vi, xe máy nhờ nuôi cá.

Nghề nuôi cá lồng trên sông Chảy ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình. (Ảnh: Thanh Miền)

Nghề nuôi cá lồng đang phát triển thì từ cuối năm 2010 đến nay nhất là trong ba ngày từ ngày 19 – 21/3 ở tất cả các lồng nuôi, cá bị chết hàng loạt. Không chỉ cá trong lồng chết mà ngay cả cá sống tự nhiên dưới lòng sông Chảy cũng chết nổi lềnh bềnh đầy sông. Nhiều hộ gia đình vừa vay ngân hàng cả chục triệu đồng về đầu tư nuôi cá vẫn chưa thu được đồng nào thì nay đã bị phá sản.

Chị Nguyễn Thị The, thôn Khả Lĩnh cho biết: "Trong những ngày này, nhất là ngày 19 – 23/3 nước trên dòng sông Chảy tự dưng đen kịt và có mùi hôi thối nồng nặc, bã sắn nổi lềnh bềnh nhiều lúc phủ kín cả dòng sông. Cùng với đó là cá nuôi trong lồng của các hộ dân đều bị chết hết. Cá chết đem bán cũng không ai mua vì ngay cá sống cũng đã có mùi rất hôi, bán không được đem về nhà nấu chín nhưng vẫn có mùi hôi khiến lợn cũng không ăn".

Theo ước tính của người dân xã Đại Minh thì số lượng cá chết vừa qua lên đến trên 10 tấn cá thịt, giá trị kinh tế thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thiệt hại kinh tế là vậy nhưng nguy hại hơn là nhiều hộ dân lại rơi vào cảnh đói nghèo vì phải gánh trên vai món nợ ngân cả hàng chục triệu đồng.

Điển hình như gia đình anh Đoàn Văn Khánh, thôn Khả Lĩnh vay ngân hàng 11 triệu đồng đầu tư làm hai lồng cá, năm 2011 này anh đã vay mượn thêm anh em bạn bè cùng số vốn ít ỏi tích cóp từ nhiều năm mua cá giống về thả với ước mong thoát được nghèo. Thế nhưng bao ước vọng đã tan biến. Chỉ trong 3 ngày, cả hai lồng cá chết sạch khiến giờ đây gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Sau khi cá chết, người dân đã có ý kiến phản ánh lên các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng đã về lấy mẫu nước nhưng cho đến nay không hiểu vì lý do gì mà vẫn chưa có kết luận cụ thể.

Hiện nay, người chăn nuôi thủy sản ở xã Đại Minh nói riêng cũng như người dân các xã vùng Đông hồ Thác Bà (huyện Yên Bình) nói chung vẫn đang chờ các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguyên nhân cá lồng chết hàng loạt. Nếu đúng là do Nhà máy sắn Vũ Linh xả nước thải gây ô nhiễm môi trường thì nhà máy này phải có trách nhiệm bồi thường cho dân và chịu tránh nhiệm trước pháp luật. Bài học từ Vedan vẫn còn nguyên giá trị và người dân đang rất tin tưởng, trông chờ sự vào cuộc của các ngành chức năng.

Theo các hộ nuôi cá lồng trên sông Chảy thì nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt là do Nhà máy chế biến sắn Vũ Linh (Yên Bình) xả nước thải ra sông Chảy gây ô nhiễm nguồn nước.

Trước đây nhà máy này vẫn xả nhưng do lưu lượng nước trên sông nhiều dẫn đến mức độ ô nhiễm không nghiêm trọng.

Tuy nhiên những ngày trung tuần tháng ba vừa qua, nước sông Chảy cạn kiệt, nhà máy xả chất thải gây ô nhiễm nặng nề, nước dòng sông biến thành một màu đen kịt và bốc mùi hôi thối, bã sắn nổi khắp nơi!

Ngọc Trúc

Theo Báo Yên Bái

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!