(TSVN) – Là tỉnh miền núi nhưng Yên Bái có nhiều diện tích mặt nước sông, hồ, có lợi thế trong nuôi trồng thủy sản. Hiện, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Yên Bái, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Theo Chi cục Thủy sản Yên Bái, hiện diện tích ba ba toàn tỉnh chiếm khoảng 16,4 ha, sản lượng khoảng 80 tấn/năm; diện tích cá hồi, cá tầm khoảng 10,5 ha, năng suất đạt 150 tấn/năm. Diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng, khai thác trên 22.390 ha, 2.645 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và khai thác ước đạt 13.751 tấn/năm, giá trị khoảng 370 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng được mở rộng, nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: Thanh Ngà
Tổng sản lượng thủy sản trong tháng 5/2024 ước đạt 1.192 tấn, tăng 3,55% so với cùng kỳ; trong đó: Sản lượng cá ước đạt 1.179,82 tấn, tăng 3,62% so với cùng kỳ; sản lượng Tôm đạt 7,37 tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ (giảm 0,13 tấn); Thủy sản khác đạt 4,81 tấn, giảm 3,99% so cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng năm 2024 sản lượng thủy sản đạt 5.894 tấn, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023
Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, thời gian qua, Chi cục Thủy sản Yên Bái đã chủ động tham mưu cho Sở NN&PTNT và UBND tỉnh có những chính sách quan tâm đến nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, Chi cục đã tích cực bám sát cơ sở, nắm chắc phong trào nuôi thủy sản ở từng địa phương và kiểm soát tình hình dịch bệnh giúp người dân phát triển kinh tế, chú trọng các loại cá đặc sản như: ba ba gai, cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Yên Bái Hoàng Ngọc Đại cho biết: “Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường quản lý cơ sở sản xuất cá giống theo các điều kiện sản xuất đảm bảo quy trình, có nguồn gốc xuất xứ theo quy định; đảm bảo 100% giống đưa vào sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.
Bên cạnh đó, tận dụng nguồn nước và khí hậu phù hợp để phát triển diện tích nuôi các loài cá nước lạnh các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá nước lạnh tại tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư, phát triển sản xuất thức ăn thủy sản phù hợp từng đối tượng nuôi, hình thức nuôi; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giảm giá thành, phấn đấu đến năm 2030 sản lượng đạt 16 đến 20 tấn/năm, giá trị đạt 550 tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nguyễn Hằng