T2, 06/07/2020 09:54

Yên Hưng (Quảng Ninh): Nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản đang phát huy hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Yên Hưng với diện tích bãi triều rộng trên 12.000 ha, được thừa hưởng nguồn lợi lớn từ cửa sông Nam Triệu và một số nhánh sông khác tải phù sa ra biển nên ở đây được đánh giá có tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh.

Từ lợi thế này, huyện Yên Hưng đã xây dựng kế hoạch để đưa nghề nuôi trồng thuỷ sản trở thành mũi nhọn kinh tế của huyện. Từ quyết tâm đó hàng loạt cánh rừng ngập mặn bị đốn hạ để be bờ đắp đầm nuôi thuỷ sản. Việc khai thác mặt nước một cách ồ ạt dẫn đến ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Và tác hại tức thì, sản lượng nuôi trồng giảm hẳn, tình trạng dịch bệnh diễn ra thường xuyên làm nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản đối mặt với nguy cơ phá sản. Những thất bại trong nuôi trồng hải sản một cách ồ ạt trên diện rộng đã làm nản lòng nhiều người, khiến họ không còn mặn mà với hướng làm giàu này.

Hồ nuôi tôm thân thiện với môi trường ở xã Hà An (Yên Hưng – Quảng Ninh).

Song đến nay, đúc rút từ những kinh nghiệm thực tế, ngành nông nghiệp huyện Yên Hưng đã có những thay đổi và đạt kết quả đáng ghi nhận trong công tác quy hoạch, phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Ông Đinh Đức Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, đến nay huyện có 4 dự án nuôi trồng thuỷ sản đã và đang mạng lại những kết quả tích cực. Dự án Hà An được khởi công từ năm 2003 theo Quyết định số 1670/QĐ-UBND tỉnh, thực hiện trên diện tích mặt nước rộng 156 ha đến nay đã được đầu tư 21 tỷ đồng, trong đó các hộ nuôi trồng tự bỏ ra 18 tỷ đồng. Đây là mô hình nuôi trồng thuỷ sản có diện tích lớn, phát huy hiệu quả thuộc diện tốt nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình ông Ngô Đình Sơn ở thôn 6A có 2 ha nuôi trồng thuỷ sản đã thu được trên 800 triệu đồng, đạt mức 400 triệu đồng/ha. Ở Hà An phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá tráp vàng, cua bể rất có hiệu quả. Vùng chuyển đổi đất canh tác xấu sang nuôi trồng thuỷ sản ở xã Sông Khoai rộng 120 ha đến nay đã cơ bản hoàn thành việc phát triển kênh mương dẫn nước phục vụ nuôi trồng và hệ thống đường, đập, dân đã đầu tư 14 tỷ đồng. Năng suất nuôi thuỷ sản bình quân của Sông Khoai đạt từ 8 đến 10 tấn/ha mặt nước (giá trị kinh tế gấp từ 5 đến 6 lần so với trồng lúa). Xã Nam Hoà có diện tích cần chuyển đổi rộng 130 ha, đến nay cơ bản hoàn chỉnh được 67 ha. Tại đây các hộ dân đầu tư hơn 6 tỷ đồng; nhà nước trên 3 tỷ đồng và trong kế hoạch sẽ thực hiện tiếp dự án với chi phí đầu tư 20 tỷ đồng. Dự án có quy mô lớn nhất huyện là Đông Yên Hưng, nằm trên địa bàn 3 xã Minh Thành, Hoàng Tân, Tân An có diện tích 2.200 ha, trước mắt được đầu tư 10 tỷ đồng. Đây là vùng cao triều nên diện tích “nhô bãi” cao, dự án này được sự quan tâm đặc biệt của Ban xây dựng nông thôn mới của tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng đang phát huy tác dụng tích cực, tạo cho Yên Hưng một vùng nuôi trồng thuỷ sản bền vững.

Chúng tôi đến thăm vùng nuôi trồng thuỷ sản Đông Yên Hưng, trên những bãi triều rộng nhiều vạt rừng ngập mặn dày dặn còn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Đây là môi trường sống lý tưởng của nhiều loại động vật biển có giá trị, đồng thời là nơi dự trữ nguồn thức ăn và phù du sinh vật dồi dào cho các đối tượng thuỷ sản nuôi trồng. Đến nay việc đảm bảo hệ thống sinh thái rừng ngập mặn trong nuôi trồng thuỷ sản được đánh giá đúng mức, nhiều mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó nổi bật là xã Hà An đã quy hoạch khá nhiều đầm nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường.

Đến nay ngành thuỷ sản Yên Hưng đã đạt trên 50% giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện. Đó là dấu ấn rất đáng ghi nhận. Trong thời gian tới việc nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh, quảng canh cải tiến sẽ nhanh chóng đưa tỷ trọng kinh tế của lĩnh vực này lên cao hơn. Trong giai đoạn từ 2001 đến 2010, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng bình quân 12,9% và sản lượng tăng 11,6%/năm; diện tích NTTS là 7.155 ha. Sản lượng nuôi trồng đạt 5.400 tấn (gồm tôm 2.300 tấn; cá 2.700 tấn và các hải sản khác 400 tấn). Trong kế hoạch NTTS từ 2011 đến 2015, định hướng đến 2020, diện tích nuôi thâm canh đạt từ 250 ha đến 300 ha; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đến 2015 đạt 18,5 tỷ đồng; sản lượng nuôi sẽ đạt từ 6.200 đến 6.700 tấn (năm 2020); đồng thời đảm bảo việc làm cho hơn 3.000 lao động tham gia NTTS.

Trọng Khang

Theo Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!