Để phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, nhân lực, góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung mở rộng diện tích, đa dạng hình thức nuôi các đối tượng nuôi thuỷ sản theo hướng phát triển bền vững.
Trong hơn ba năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Mô được phát động rộng rãi và có sức lan tỏa lớn trong hệ thống chính trị và toàn thể tầng lớp nhân dân. Vì vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp dần được kiện toàn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển. Bên cạnh đó, người nông dân đã chủ động, tích cực học hỏi tìm tòi nguồn thông tin mới về khoa học kỹ thuật, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý sản xuất, dám nghĩ dám làm, vì thế đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình về nuôi thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ, góp phần đưa thủy sản của huyện Yên Mô phát triển theo hướng đa dạng và bền vững.
Nuôi trồng thủy sản huyện Yên Mô đạt được những kết quả đáng ghi nhận, diện tích, năng suất và sản lượng đều tăng qua các năm. Riêng năm 2013, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt trên 1.000 ha (trong đó, diện tích nuôi ao, hồ trên 800 ha; diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa là 214 ha), sản lượng thủy sản cả năm đạt gần 3.300 tấn. Đối tượng nuôi thủy sản đa dạng, ngoài nhóm cá truyền thống (trắm cỏ, mè, trôi,…), các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao đang dần được nhân rộng như cá trắm đen, cá chép lai,… Sản xuất thủy sản của Yên Mô phát triển mạnh ở cả loại hình ao, hồ và nuôi trên ruộng trũng. Đặc biệt việc phát triển mô hình lúa – cá kết hợp (nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa trên diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Thu hoạch thủy sản tại huyện Kim Sơn – Ảnh tư liệu
Được biết, bắt đầu từ năm 2003 huyện Yên Mô có chủ trương chuyển diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả ở các xã sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản với mô hình đầu tiên được xây dựng ở HTX Vân Trà (xã Yên Thắng) có quy mô 11ha. Toàn bộ diện tích của các hộ được hướng dẫn cải tạo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đối tượng chăn nuôi ngoài cá truyền thống còn thả thêm 2 đối tượng cá mới là cá chim trắng và cá chép lai 3 màu. Kết quả xây dựng mô hình cho thấy giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đã nâng lên 25 – 26 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với cấy lúa từ 2-2,4 lần. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, huyện đã chỉ đạo nhân rộng mô hình ở những xã có nhiều ruộng trũng. Qua đó, phong trào chuyển đổi đã phát triển rộng ở các thôn, xóm trên địa bàn xã Yên Thắng và các xã Yên Đồng, Yên Thái…
Tính đến hết năm 2013, toàn huyện đã chuyển đổi được 214 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản và xây dựng trang trại có giá trị thu nhập đạt trên 160 triệu đồng/ha/năm. Nhằm mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, huyện Yên Mô đã xây dựng và đang triển khai Đề án “Chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2014 – 2015”. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã có diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả tiếp tục phát triển và duy trì ổn định 214 ha đã chuyển đổi thành công, đồng thời mở rộng chuyển đổi 413 ha trong năm 2014 và 2015. Khi thực hiện thành công đề án, huyện Yên Mô có trên 600 ha diện tích ruộng trũng kết hợp cấy lúa và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian tới, để nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh và bền vững, huyện Yên Mô tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Trong đó, chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, hồ; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các dự án đã và đang triển khai. Tăng cường công tác chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thuỷ sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao,…
Đối với đề án chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, huyện Yên Mô có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/1 ha chuyển đổi để nạo vét kênh mương, xây dựng hệ thống đường điện, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương kết hợp tăng cường tuyên truyền để người dân biết, hiểu về đề án, qua đó tích cực thực hiện theo đúng chương trình đã đề ra; vận động, tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu phát triển mô hình được dồn đổi đất vào vùng quy hoạch; có chính sách cho thuê đất để các hộ yên tâm sản xuất; tạo điều kiện để các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn…
Nhà e có 3 sào ruộng trũng . Nằm ở trong xóm . Mỗi lần mùa màg gặt tây mà kém hiệu quả đó ở trong xóm nên lúa hay bị đổ dẫn đến kém hiệu quả. V cho e hỏi có đk chuyển đổi sang mô hình nuôi cua cá trạch k ạ