(TSVN) – Chuyển dịch xanh là xu hướng toàn cầu đang đặt ra yêu cầu cao và mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản. Nhiều ý kiến đã được trao đổi tại hội thảo “Chuyển dịch xanh: Thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” do VCCI Cần Thơ tổ chức mới đây.
Bà Nguyễn Thị Hà, đại diện Công ty CP Sáng tạo Xanh Việt Nam (GREEN IN), cho biết, áp lực giảm phát thải carbon khiến chính sách của các quốc gia trở nên ngày càng khắt khe. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, ra đời tháng 6/2022, nhằm áp một mức giá công bằng cho lượng khí thải carbon phát ra trong sản xuất hàng hóa nhập vào EU, để khuyến khích sản xuất sạch hơn tại mọi quốc gia. Tại Mỹ, Canada và Nhật Bản cũng có các chính sách quản lý khí phát thải tương tự.
Tại EU, từ tháng 10/2023, nhà nhập khẩu hàng hóa phải khai báo phát thải carbon. Đến tháng 1/2026, EU sẽ loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí. Từ năm 2027, EU sẽ thực hiện rà soát toàn bộ CBAM và đến năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ, yêu cầu nhà nhập khẩu phải thực thi toàn bộ nghĩa vụ. Khi CBAM có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu thuế carbon khi xuất hàng hóa vào châu Âu, khiến sản phẩm phải cạnh tranh về giá và chất lượng, tăng thêm chi phí.
Tại Việt Nam, năm 2022 ra đời Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Từ ngày 3/11/2023, có Dự thảo mới và hiện đang lấy ý kiến việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính với số lượng tăng lên rất nhiều. Trước đây chỉ có 1.912 cơ sở phải kiểm kê, nay theo dự thảo đã tăng lên 2.893 cơ sở, chủ yếu ở ngành sản xuất thức ăn thủy sản và cá tra đông lạnh.
Yêu cầu cao về giảm phát thải khí nhà kính cũng tăng cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản. Áp dụng các biện pháp tối ưu hóa, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Hàng hóa ít phát thải, có giấy chứng nhận “xanh” sẽ mở thêm cơ hội với các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Canada, giữ vững thị trường và mang lại doanh thu ổn định.
Việc xác nhận kết quả giảm phát thải là một quá trình đầu tư công nghệ, thực hiện tín chỉ carbon và tham gia thị trường carbon. Hiện có 6 loại khí nhà kính làm nóng trái đất với các mức độ nguy hại khác nhau. Khí CO2 có mức độ nguy hại là 1, tiếp theo là khí CH4 có mức độ nguy hại 25, khí N²O mức độ nguy hại 298, khí PFC mức độ nguy hại 9.200, khí HFC mức độ nguy hại 14.800 và cao nhất là khí SF6 nguy hại 23.900. Đây là 6 loại khí nhà kính được kiểm soát theo mục tiêu giảm phát thải (NDC) và khí CO² được sử dụng làm đơn vị tiêu chuẩn để tính toán. Nếu giảm được chẳng hạn 1 tấn CH4 (sinh ra nhiều trong làm lúa nước), thì được tính là 25 tấn CO².
Năm 2015, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua với sự tham gia của 194 quốc gia. Điều 6 của thỏa thuận thể hiện cơ chế hợp tác tự nguyện, cho phép các nước tự nguyện tham gia về mục tiêu NDC. Việt Nam ký Thỏa thuận Paris ngày 31/10/2016, đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải không điều kiện là 15,8%, tỷ lệ giảm phát thải có điều kiện là 43,5% so với năm cơ sở 2014.
Mức giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính được định lượng bằng đơn vị tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon có 4 tiêu chí: Đo lường được trong thực tế, thực hiện lâu dài và không bị đảo ngược, có tính bổ sung nếu chưa đạt được thì mua của nơi thừa để bù vào và được thẩm định độc lập theo tiêu chuẩn carbon.
Từng lĩnh vực có tiêu chuẩn carbon riêng, dựa vào đó mà có các loại chứng chỉ carbon để xác định lượng khí thải phát ra ở đơn vị cần kiểm kê. Hiện đã có 170 loại chứng chỉ carbon, có giá rất khác nhau phụ thuộc vào công nghệ và nhu cầu của thị trường.
Hiện có 2 loại thị trường carbon:
1. Thị trường carbon bắt buộc: Được quy định bởi quốc gia, khu vực hoặc tiểu khu vực nhằm giới hạn lượng phát thải cho các ngành cụ thể.
2. Thị trường carbon tự nguyện: Cho phép các thực thể mua hoặc bán tín chỉ carbon nhằm đáp ứng mục đích riêng của họ trên cơ sở tự nguyện.
Gần Việt Nam, nhiều năm nay đã có các thị trường carbon quốc tế hoạt động giao dịch tín chỉ carbon. Sớm nhất có thể kể đến sàn giao dịch tín chỉ Air Carbon Exchange (ACX) ở Singapore, bắt đầu từ tháng 10/2019, mục đích chính là sử dụng blockchain để tạo các tín chỉ carbon được chứng khoán hóa. Cũng ở Singapore, tháng 3/2022, ra đời Climate Impact X (CIX) nhằm đưa Singapore thành một trung tâm giao dịch tín chỉ carbon chất lượng cao. Ở Thái Lan có FTIX hoạt động từ tháng 9/2022, cho phép giao dịch tín chỉ tự nguyện. Ở Malaysia cũng có Bursa Carbon Exchange (BCX) cho phép các công ty giao dịch tín chỉ tự nguyện, hoạt động từ tháng 12/2022. Còn ở Nhật Bản, sau thời gian thí điểm, từ năm 2023, Green Transformation (GX) VCN đi vào vận hành thị trường tín chỉ carbon toàn quốc.
Thị trường carbon Việt Nam dự kiến vận hành thử nghiệm vào năm 2025. Hiện nay đã hình thành nhiều chuyên gia tư vấn, hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc kiểm kê, thực hiện giảm phát thải và cấp chứng chỉ carbon.
CBAM là một công cụ nhằm áp một mức giá công bằng cho lượng khí thải carbon được phát ra trong quá trình sản xuất hàng hóa có mật độ phát thải carbon cao đang được nhập khẩu vào và để khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn tại các quốc gia không thuộc EU.
Sáu Nghệ