(TSVN) – Chiến lược mới của Zimbabwe dự báo sản lượng cá rô phi sông Nile nuôi tăng gần gấp ba lần từ 5.600 lên 14.000 tấn mỗi năm vào năm 2032.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), các bên liên quan trong chuỗi giá trị cá rô phi của Zimbabwe đã đưa ra kế hoạch giúp quốc gia Nam Phi này phát triển nghề nuôi cá rô phi và thúc đẩy cơ hội cho phụ nữ, thanh niên và các nhóm yếu thế.
Ông J. Masuka, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Nông nghiệp, Thủy sản, Nước và Phát triển nông thôn, cho biết: “Nuôi cá rô phi có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn diện của các quốc gia. Chiến lược này sẽ giúp nuôi trồng cá rô phi của chúng tôi bứt phá và có thể là công cụ giúp giảm nghèo và cải thiện an ninh lương thực”.
Trang trại cá rô phi Lake Harvest ở Zimbabwe. Ảnh: UCN
Theo đó, sản lượng cá rô phi sông Nile nuôi dự đoán sẽ tăng gần gấp ba lần từ 5.600 lên 14.000 tấn mỗi năm vào năm 2032. Sự gia tăng này sẽ được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận đầu vào, dịch vụ và thị trường cho những người nuôi cá quy mô nhỏ tốt hơn và tăng lợi nhuận hàng năm từ 5,6 triệu USD hiện nay lên 22 triệu USD sau 10 năm nữa.
Đồng thời, chiến lược ủng hộ việc sử dụng rộng rãi các phương pháp hay nhất để tăng trưởng không gây tác động xấu đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Tính toàn diện là một ưu tiên quan trọng khác của chiến lược, những nỗ lực tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và các nhóm yếu thế cần đảm bảo rằng đến năm 2032, họ chiếm 40% việc làm trong số những người nuôi cá quy mô nhỏ.
Chiến lược này là kết quả của cuộc đối thoại toàn ngành về nâng cấp chuỗi giá trị cá rô phi của Zimbabwe do FISH4ACP dẫn đầu, một sáng kiến phát triển chuỗi giá trị cá toàn cầu của Tổ chức các quốc gia châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (OACPS), do FAO thực hiện với sự tài trợ của EU và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế liên bang Đức.
Theo EU, kế hoạch đã đặt ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho FISH4ACP, một chương trình hàng đầu hỗ trợ phát triển của khối đối với nghề cá và nuôi trồng thủy sản bền vững.
Minh Anh
Theo Undercurrent News