Cơ hội nhiều, thách thức không ít

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau nhiều năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) chính thức được ký kết ngày 30/6 vừa qua. Cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong Hiệp định này không nhỏ, thế nhưng, để có thể nắm bắt, cần phải có những thay đổi đáng kể.


Việt Nam thuộc top 5 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới

Kết thúc lộ trình gần 10 năm

Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sau khi hai bên hoàn tất các công việc kỹ thuật.

Ngày 26/6/2012, Việt Nam và EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định này. Sau gần 3 năm với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật, Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định.

Tháng 12/2015, hai bên kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, vào tháng 9/2017, EU đề nghị Việt Nam tách Hiệp định EVFTA thành hai hiệp định riêng biệt là: Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU). Đến tháng 6/2018, chính thức thống nhất việc tách riêng này và kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA, đồng thời thống nhất các nội dung của Hiệp định IPA. Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

Với sự nỗ lực của hai bên trong đàm phán, rà soát các thủ tục pháp lý, ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định này và ngày 30/6/2019, Hiệp định EVFTA và IPA được ký kết.

Tại lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây mới chỉ là bước khởi đầu, cả hai bên cần nỗ lực hợp tác để Việt Nam sẽ ban hành một chương trình hành động quốc gia, thực hiện 2 hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, thực thi nghiêm túc, triển khai sâu rộng tới các bộ, tổ chức, doanh nghiệp.

Thời của thủy sản

Theo nhiều chuyên gia, khi EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các sản phẩm Việt Nam như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày… Đặc biệt, thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn) với lộ trình dài nhất là 7 năm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đánh giá, ngành thủy sản sẽ hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3 – 4 năm. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn, bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%, trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%. Nhưng ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại sẽ giảm dần trong những năm tiếp theo, lộ trình dài nhất là 7 năm.

Cách nào tận dụng?

Ưu đãi đã nhìn thấy, tuy nhiên, để tận dụng được, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm của khối thị trường này. Bởi “đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu mà doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng để khai thác lợi thế, nếu không sẽ gặp khó khăn”, ông Hòe nhấn mạnh.

Hiện, Việt Nam thuộc top 5 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng sự phát triển còn hạn chế. Việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch và kiểm soát quy hoạch chuỗi giá trị đang là thách thức lớn, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Chưa kể, hầu hết doanh nghiệp hiện vẫn chưa đủ khả năng kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ con giống tới thu hoạch và chế biến.

Nhìn từ thực tế này có thể thấy, không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể ngay lập tức được hưởng lợi thế này. Và ngay cả ngành thủy sản cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết dứt điểm. Theo ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, con tôm nuôi theo quy trình sạch nhưng cho ăn thức ăn có kháng sinh chắc chắn không đủ tiêu chuẩn xuất vào EU. Ngay cả việc ngành thủy sản Việt Nam không gỡ bỏ “thẻ vàng” cũng khó đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Điều này gần như là chắc chắn, bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam, quy mô lớn và đầy tiềm năng, dù vậy, đây vốn là thị trường rất khó tính. Để hanh thông, trước mắt, chiếu theo những quy định của Hiệp định và thực tế khi 70% nguyên liệu đầu vào là từ nuôi trồng thì các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ số liệu, hồ sơ, quy trình truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu. Tất cả phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp, như Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ, nhà nước đã mở đường, việc còn lại là do doanh nghiệp quyết định.

>> Theo quy định trong EVFTA, toàn bộ các dòng thuế sẽ giảm về 0% theo lộ trình từ 3 – 7 năm. Tuy nhiên, trong điều kiện thuế giảm nhưng hàng rào kỹ thuật không đổi, để hưởng ưu đãi trong xuất khẩu, doanh nghiệp cần cải tiến lại quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ…

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!