T2, 06/07/2020 10:08

“Góc tối” của ngành thủy sản Thái Lan – Kỳ I: Nô lệ trên tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành công nghiệp thủy sản trị giá hàng tỷ USD của Thái Lan vừa bị phanh phui những “góc tối” khủng khiếp, khiến không ít người ngỡ ngàng.

Thủy thủ bất đắc dĩ

Hàng nghìn người Myanmar và Campuchia lao động trên tàu đánh cá Thái Lan mỗi ngày, nhưng đa số đều là những thủy thủ bất đắc dĩ, một hình thức cưỡng bức lao động trong điều kiện khắc nghiệt dưới sự đe dọa bị giết chết.

Nhiều ngư dân mất hàng tháng hoặc thậm chí nhiều năm mắc kẹt ở vùng biển xa xôi như Somalia – Ảnh: AFP

Dưới cái nắng như thiêu như đốt của vùng đồng bằng Campuchia, có một ngôi nhà sàn chật hẹp, nơi trú ngụ của ba thế hệ nô lệ chạy trốn. Chủ nhân ngôi nhà là Sokha, người đàn ông 39 tuổi vừa trở về sau gần 2 năm bị giam cầm. Căn nhà chẳng có gì đáng giá, những chiếc gối bẩn, những vệt sáng yếu ớt xuyên qua các vết nứt trên tường. Vật đáng giá nhất có chăng chỉ là một con lợn nái với dáng đi lẹt bẹt dưới gầm sàn.

Sakho là một nô lệ may mắn trốn thoát và quay về được quê nhà Campuchia vào tháng 12 năm ngoái sau 2 năm bị cầm tù. Anh cùng con trai và hai người cháu đã bị bán với giá 650 USD. Những kẻ môi giới hứa sẽ giúp họ có một công việc ổn định tại một nhà máy cá đóng hộp. Nhưng rồi họ bị đẩy lên một chiếc thuyền gỗ, đưa sang Thái Lan, đi thẳng ra vùng biển, nơi mà luật pháp không thể chạm tới.

Sakho kể lại: “Chúng tôi phải làm việc liên tục, không được trả lương, dù bệnh tật hay nôn mửa, đôi khi phải làm 2 hoặc 3 ngày liền. Tất cả tuyệt đối phải tuân lời gã thuyền trưởng, luôn lăm lăm khẩu súng ngắn K54 trong tay, kẻ đã từng rạch mặt một thuyền viên trước mặt các thủy thủ đoàn. Chúng tôi phải làm việc 20 giờ mỗi ngày, bị buộc phải đánh bắt và phân loại thủy sản dưới ánh nắng mặt trời như thiêu như đốt”.

Một nạn nhân khác tên là Hla Myint cho biết, ngày đầu tiên anh thấy biển cả là khi những tay buôn người giao anh cho một chiếc tàu đánh cá ở vùng duyên hải Thái Lan sau 1 tuần lội bộ từ Myanmar băng qua rừng rậm và đó là khởi điểm nhiều tháng ngày “địa ngục trần gian” với anh cùng những vụ đánh đập xảy ra hàng ngày, hàng giờ.

Câu chuyện của hai thủy thủ bất đắc dĩ Sakho và Hla Myint chỉ là hai trong vô số cảnh đời nô lệ trong ngành đánh cá thu nhập nhiều triệu USD của Thái Lan đã bị những nhà vận động ngăn chặn nạn buôn người cáo giác.

 

Thuyền trưởng là “vua”

Năm ngoái, sau chuyến thăm Thái Lan, báo cáo viên Joy Ezeilo của Liên hợp quốc khẳng định, tình trạng lao động bị cưỡng bức là vô cùng phổ biến trong ngành đánh cá Thái Lan, thậm chí còn được sự tiếp tay của lực lượng cảnh sát.

Chuyên gia cấp cao thuộc Dự án Liên minh các Cơ quan Liên hợp quốc về phòng chống buôn bán người (UNIAP) Lisa Rende Taylor cho biết: “Không giống như nhà thổ, các nhà máy… lao động cưỡng bức ở đây diễn ra ngoài biển, là một thế giới nơi thuyền trưởng là vua. Một số cố kiếm nhiều tiền bằng cách bắt các lao động làm việc quần quật cả ngày và cho mình quyền đối xử độc ác tùy thích. Tuy nhiên, những gì đánh bắt được lại không dành cho họ. Thị trường thủy hải sản Thái Lan chủ yếu là xuất khẩu. Thử làm một phép tính và sẽ biết ngay số thủy sản này được xuất khẩu đến những nước nào”.

Những người đàn ông vất vả trên các tàu cá 20 giờ/ngày, 7 ngày/tuần – Ảnh: AFP

Quốc gia dẫn đầu tiêu thụ thủy hải sản Thái Lan là Nhật Bản, tiếp theo là thị trường Mỹ. Theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), Thái Lan là nhà cung cấp thủy hải sản lớn thứ hai của Mỹ. Chỉ tính riêng năm 2011, xuất khẩu thủy sản Thái Lan đã thu về 2,5 tỷ USD từ thị trường này.

Điều đáng buồn nhất là các bên liên quan đều cho rằng, rất khó để quản lý nguồn gốc những thủy hải sản được đánh bắt bởi sức lao động của nô lệ. Các nhà xuất khẩu cho rằng, họ không có quyền hạn gì với những đối tác cung cấp nguyên liệu. Tổng thư ký Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan Arthon Piboonthanapatana giải thích: “Chúng tôi chỉ có quyền với các thành viên của Hiệp hội chứ không có sức mạnh đối với các bên liên quan như các con tàu hay ngư dân”. Những nhà nhập khẩu Mỹ cũng phải bó tay trong việc theo dõi nguồn hàng.

 

Luật pháp không thể chạm tới

Nhu cầu sử dụng nô lệ bắt nguồn từ những chuyển biến của ngành ngư nghiệp Thái Lan. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh ở Thái trong hai thập niên qua đã khiến số lượng ngư dân trở nên thiếu hụt nghiêm trọng khi nhiều người không muốn mạo hiểm cuộc sống trên các tàu đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, sự cạn kiệt hải sản do đánh bắt quá mức đã đẩy các con tàu phải đi xa hơn mỗi ngày, thậm chí đến tận Somalia để tìm các loại hải sản có giá trị hơn như mực, cá thu…

Người lao động di cư phân loại cá ở một tàu đánh cá Thái Lan tại tỉnh Rayon – Ảnh: AFP

Do thiếu hụt hơn 70.000 lao động cùng áp lực tài chính, giá nhiên liệu, chi phí tăng… nên các chủ tàu đã phải tìm đến các lao động miễn phí. Ban đầu đó chỉ là các vụ bắt cóc thanh niên trong nước, nhưng sau đó nguồn lao động chủ yếu đến từ nước ngoài, cụ thể là các vùng giáp ranh biên giới Myanmar và Campuchia. Cuộc sống nghèo khổ đã khiến nam giới những khu vực này không nghi ngờ về lời dụ dỗ của những kẻ môi giới.

Nạn nhân Sakho cho biết: “Tôi chỉ kiếm được 1,5 USD cho một ngày khi lao động ở làng. Họ hứa sẽ trả cho tôi 260 USD/tháng với một công việc mới tại một nhà máy ở Thái Lan. Con tôi vừa chào đời lại mắc bệnh tim, làm sao tôi có thể từ chối?”.

Không ai thật sự biết có bao nhiêu nô lệ đang bị giam giữ ngoài khơi hay bao nhiêu số tàu cá đang sử dụng lao động cưỡng bức. Sự quản lý lỏng lẻo đến mức các quan chức Thái Lan thậm chí cũng không chắc về số lượng tàu và thủy thủ đánh cá hợp pháp. Các tổ chức chống buôn người ước tính, số nô lệ đánh cá lên đến hàng nghìn người, còn Tổ chức phi chính phủ Mirro đặt tại Bangkok khẳng định, số nô lệ chiếm một tỷ lệ không thể tưởng tượng được trên tổng số 250.000 thủy thủ của Thái Lan.

Bên cạnh đó, Tổ chức Di trú thế giới năm 2011 cho biết, hơn một nửa số tàu đánh cá toàn cầu không có đăng ký. Những chiếc “tàu ma” thường sao chép hoàn toàn một chiếc tàu đánh cá hợp pháp từ giấy tờ đến hình thức. Một quan chức Thái Lan cho biết, nếu một chủ tàu có 10 tàu thì 4 chiếc là hợp pháp, 6 chiếc còn lại là bất hợp pháp. Những giấy tờ giả gồm đăng ký tàu, nhật ký hải trình… đều dễ dàng qua mặt cảnh sát hàng hải. Thậm chí, nếu bị hải quân phát hiện thì đã có mức giá hối lộ cụ thể.

Một chủ tàu tiết lộ: “Nếu hải quân Indonesia bắt thuyền thì phải hối lộ cho họ khoảng 1.000 USD. Còn ở Thái Lan mức giá rẻ hơn, khoảng 650 USD. Có thể đút lót ngay tại chỗ rồi tiếp tục đánh cá hoặc đưa tiền khi bị kéo vào bờ. Nhưng kiểu nào thì cũng phải hối lộ”.

>> Thế giới có gần 27 triệu nô lệ

Ngày 1/6/2012, Tổ chức Lao động quốc tế đã công bố có gần 20,9 triệu người, trong đó gần 1/4 là dưới 18 tuổi đang bị cưỡng bức lao động. Nhưng theo Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, con số này lên đến 27 triệu người theo nhiều nguồn ước tính khác. Mỗi năm có gần 1 triệu người bị bán qua biên giới.

          Theo Telegraph.co.uk

Hồng Thắm

Globalpost, AFP, Sfgate (Còn nữa)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!