T2, 06/07/2020 12:35

Nuôi tôm theo công nghệ Aquamimicry

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm gần đây, bệnh trên tôm hoành hành gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi tôm, theo đó đã thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp nuôi khác nhau để tăng cường quản lý sức khỏe cho tôm. Một trong những phương pháp được thực hiện trên một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc… cho kết quả tốt là công nghệ Aquamimicry.

Ao nuôi tôm theo công nghệ Aquamimicry tại Thái Lan

Ao nuôi tôm theo công nghệ Aquamimicry tại Thái Lan

Ưu điểm

Trong những năm gần đây ở Thái Lan, nuôi tôm theo công nghệ Aquamimicry dựa trên nguyên lý duy trì sự cân bằng của vi tảo và biofloc trong hệ thống nuôi được thử nghiệm và phát triển.

Bản chất của công nghệ Aquamimicry là phát triển các hệ sinh vật phù du giàu dinh dưỡng, đặc biệt là giáp xác chân chèo. Các sinh vật phù du này có vai trò làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm nuôi đồng thời có thể duy trì chất lượng nước. So với công nghệ BioFloc, công nghệ này có thể vận hành dễ dàng hơn, không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật quá cao. Trong hệ thống lượng carbon có thể tăng hoặc giảm không quá yêu cầu khắt khe vào tỷ lệ đầu vào của Nitơ. Ngoài ra, số lượng các hạt biofloc không bị giới hạn vì có các động vật tái sử dụng giúp hệ thống nuôi không xảy ra hiện tượng sập hệ biofloc.

Ưu điểm lớn nhất của quy trình là giảm thiểu biến động pH và ôxy hòa tan. Đồng thời, độ an toàn sinh học cao do hạn chế thay nước và cung cấp lượng thức ăn giàu dinh dưỡng, do đó tôm nuôi có sức khỏe tốt.

Hệ thống ao nuôi

Nếu nuôi quảng canh, trong diện tích lớn không cần bố trí hệ thống lắng lọc, xử lý nước.

Trong trường hợp ứng dụng công nghệ Aquamimicry nuôi thâm canh, hệ thống ao nuôi theo quy trình gồm có ao nuôi tôm, ao trung gian và ao lắng lọc, xử lý nước. Diện tích của các ao tùy thuộc vào hệ thống nuôi, có điều kiện tốt nhất bố trí các ao với tỷ lệ diện tích ao này là 1 : 1 : 1. Độ sâu xung quanh của ao lắng khoảng 2 m, độ sâu giữa ao khoảng 4 m để dễ dàng thu gom được những chất cặn bẩn. Ở các ao lắng có thể thả một số đối tượng cá ăn đáy như cá da trơn, cá măng để sử dụng triệt để nguồn dinh dưỡng còn thừa trong ao nuôi, đồng thời cải thiện chất lượng nguồn nước.

Nước sau khi được xử lý ở hệ thống ao lắng được bơm vào hệ thống ao trung gian 1 thời gian có thả nuôi cá rô phi. Sau khi nước được xử lý triệt để ao trung gian tiếp tục bơm vào ao nuôi. Như vậy, nước sử dụng để nuôi tôm đảm bảo chất thải nitơ ở mức tối thiểu.

Ở ao nuôi tôm, bố trí hệ thống quạt nước xung quanh hệ ao nuôi để duy trì hàm lượng ôxy hòa tan cần cho quá trình hô hấp của tôm, các vi sinh, động vật phù du, tảo… Ngoài ra, khi chạy quạt nước, xáo trộn nước làm cho các hạt floc trôi nổi; nếu không, các hạt này sẽ lắng tụ, biến chất, tạo khí độc, độc tố trong ao nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tôm. Vì vậy, cần duy trì quạt nước trong suốt quá trình từ khi gây màu nước đến hết quá trình nuôi.

Chuẩn bị ao

Lấy nước vào ao nuôi qua túi lọc có kích thước mắt lưới 200 – 300 micromet. Độ cao mực nước 0,8  – 1 m.

Để làm giàu nguồn thức ăn tự nhiên, trong quá trình nuôi cần lên men nguồn carbon bằng cám gạo, lúa mì lên men bằng men vi sinh.

Phương pháp lên men: Sử dụng bột cám gạo, ngô hoặc lúa mì hòa vào nước với tỷ lệ 1 : 5 – 10, sau đó cho men vi sinh vào, khuấy đều rồi chạy sục khí liên tục trong 24 giờ. Trong quá trình lên men bột cám gạo nên duy trì hỗn hợp có độ pH trong khoảng 6 – 7. Sau khi lên men bột cám gạo có thể bổ sung trực tiếp xuống ao nuôi với lượng 50 – 100 ppm so với thể tích nước ao nuôi.

Quản lý, chăm sóc

Thả tôm vào lúc thời tiết ổn định, nhiệt độ mát với mật độ 30 – 100 con/m2 (tùy thuộc vào hình thức nuôi). Sau khi thả giống, hàng ngày bổ sung thêm cám lên men làm thức ăn cho sinh vật phù du trong ao nuôi. Lượng cám lên men cần bổ sung phụ thuộc vào hệ thống nuôi và độ đục của nước. Thông thường, với hệ thống nuôi quảng canh, diện tích lớn có thể bổ sung cám gạo lên men với lượng 1 ppm so với thể tích nước ao nuôi. Đối với hệ thống nuôi thâm canh có thể bổ sung với lượng 2 – 4 ppm so với thể tích nước ao nuôi. Ngoài ra, lượng cám lên men bổ sung vào hệ thống ao nuôi  còn dựa vào độ đục của ao, cần duy trì độ đục của ao trong khoảng 30 – 40 cm. Nếu độ đục cao hơn có thể bổ sung thêm cám lên men và ngược lại.

Trong quá trình nuôi cần định kỳ bổ sung chế phẩm sinh học giúp duy trì chất lượng nước và thúc đẩy sự hình thành của các hạt floc.

Tồn tại

Nhược điểm lớn nhất đối với quy trình nuôi tôm công nghệ Aquamimicry là khó có thể thực hiện ở điều kiện trong nhà, cũng như đòi hỏi diện tích sử dụng các ao là tương đối lớn.

>> Nuôi tôm bằng công nghệ Aquamimicry, sau khi thu hoạch, đáy ao không có mùi, bùn đen hoặc trầm tích lũy do đó có thể sẵn sàng để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất tiếp theo bằng việc bổ sung cám lên men và chế phẩm sinh học, như đã đề cập trước đó. Cùng đó, tôm nuôi được đánh giá có chất lượng tốt hơn so với các quy trình nuôi thông thường. Theo đó, nuôi tôm theo công nghệ Aquamimicry đang nhanh chóng lan rộng khắp thế giới.

Phong Lan

Advocate.gaalliance.org

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!