T2, 06/07/2020 11:41

Sớm gỡ khó cho ngư dân miền Tây

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau gần một năm triển khai Nghị định 67/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, ngư dân miền Tây hiện mới được chấp thuận vài tàu và gặp khó trong việc đóng tàu lớn.

Còn dè dặt

Tỉnh Cà Mau chưa được phân bổ và triển khai nguồn vốn, chỉ tiêu đóng mới nhưng đã có 326 ngư dân đăng ký đóng mới 201 tàu và nâng cấp 125tàu cũ. Trong đó, chỉ 15 ngư dân xin đóng tàu vỏ sắt, vì không quen dùng tàu vỏ sắt.

Ở Cà Mau, cửa biển Sông Đốc có đoàn tàu hùng hậu nhất, với hàng ngàn ngư phủ. Ông Từ Văn Hiền cho biết, có 29 hồ sơ xin đăng ký (23 tàu đóng mới, 6 tàu vỏ sắt). Ông Hiền nói: “Trách nhiệm chính quyền cơ sở, tiếp nhận hồ sơ đăng ký và chuyển cấp trên xem xét, chưa biết kết quả”.

Ông Nguyễn Tấn Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, có 15 ngư dân được xét duyệt đóng mới tàu (15 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ sắt) để khai thác thủy sản và hậu cần nghề cá. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bạc Liêu khảo sát 15 ngư dân được xét duyệt thì có 5 hộ chưa chứng minh vốn đối ứng, 6 hộ chưa thống nhất mẫu thiết kế cơ quan chức năng giới thiệu.

Mỗi tỉnh chỉ có một cơ sở đóng tàu vỏ gỗ, đóng tàu vỏ sắt phải đi xa – Ảnh: Nguyễn Huy

Nhiều ngư dân băn khoăn, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, số lượng tàu tăng sẽ hoạt động khai thác kém hiệu quả, nên hạn chế mức vay từ 70 đến 95% giá trị con tàu đóng mới. Ông Trần Văn Chiến, ngư dân Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) nói: “Giá thành một tàu mới từ 8 đến 20 tỷ đồng, chủ tàu không đủ vốn đối ứng và thời gian trả nợ trong khoảng 10 năm thì rất khó”.

 

Cơ sở đóng tàu thiếu và yếu

Sở NN&PTNT Cà Mau giới thiệu 21 mẫu tàu vỏ sắt, 143 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu; nhưng phần lớn ngư dân cho rằng không phù hợp vùng biển Tây Nam bộ. Lão ngư Nguyễn Tấn Biểu (Khóm 2, Thị trấn Sông Đốc, Huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nói: “Cần cho kiến trúc sư thiết kế đi biển để có con tàu phù hợp”.

Tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, không có cơ sở đóng tàu vỏ sắt, chỉ vài cơ sở đóng tàu vỏ gỗ theo kinh nghiệm ngư dân ven biển Tây Nam. Tại Bạc Liêu có 9 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá nhưng chỉ có 1 cơ sở đủ điều kiện đóng mới tàu vỏ gỗ và Cà Mau có 1 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu vỏ gỗ.

Ngư dân Diệp Hồng Kỳ (thị trấn Sông Đốc) đăng ký đóng tàu vỏ sắt khai thác biển, công suất 800 CV, khoảng 11 tỷ đồng. “Tôi chưa biết bao giờ đóng được tàu mới, kỹ năng khai thác và nhất là việc duy tu bảo dưỡng tàu vỏ sắt. Nếu phải đưa tàu đi Cần Thơ, Tiền Giang… thì rất gian nan, tốn kém”.

Ngư dân Liên Văn Lợi ở cửa biển Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) có đoàn tàu hậu cần nghề cá 4 chiếc, công suất 500 – 700 CV, trọng tải trên 300 tấn, đang hoạt động tại vùng biển DK1, Biển Tây. “Tôi được duyệt đóng mới tàu vỏ gỗ, công suất 800 CV, trị giá khoảng 8 tỷ đồng, đã đưa 55 triệu đồng thuê thiết kế nhưng chưa thấy “con tàu giấy”- Ông Lợi nói.

Ngư dân Trần Văn Chiến, ở cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời) có 4 tàu hậu cần nghề cá, công suất 400 CV, xin đóng tàu vỏ sắt, công suất 800 CV, trị giá hơn 10 tỷ đồng. “Gia đình tôi chuẩn bị vốn đối ứng, chi phí thiết kế; nhưng thủ tục quá chậm, chưa biết đến bao giờ…”.

>> “Ngư dân ngại đóng tàu vỏ sắt vì chi phí lớn, cơ sở duy tu bảo dưỡng khó khăn, vốn đối ứng và chính sách tín dụng… cản trở đóng mới, nâng cấp tàu khai thác biển”- Ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu

Nguyễn Tiến Hưng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!