Theo thống kê của Hội đồng Vận chuyển thế giới (the World Shipping Council) năm 2013, 6 trên 10 cảng biển lớn nhất trên thế giới tính theo lượng hàng hóa thuộc về Trung Quốc. Các nước có cảng biển thuộc top lớn nhất thế giới còn lại đều thuộc châu Á, gồm: Singapore, Hàn Quốc và Ả Rập.
1. Cảng Thượng Hải – Trung Quốc
Cảng Thượng Hải là cảng lớn nhất thế giới dựa theo lượng hàng hóa và container cập cảng. Với diện tích bằng 470 sân bóng đá, bao gồm 125 bến với tổng chiều dài bến khoảng 20 km, cảng phục vụ cho hơn 2.000 tàu container mỗi tháng, đón nhận 33,62 triệu đơn vị container và hơn 736 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Nằm trên cửa ngõ của vùng biển Đông Trung Quốc, sông Dương Tử, cảng Thượng Hải nắm giữ một vị trí quan trọng đối với thương mại nước ngoài. Trong thực tế, việc nhập khẩu và xuất khẩu thương mại hàng năm trên khắp Thượng Hải chiếm một phần tư giá trị thương mại nước ngoài của Trung Quốc; đồng thời, giúp nước này vượt lên Mỹ để trở thành quốc gia có nền thương mại lớn nhất thế giới.
2. Cảng Singapore – Singapore
Cảng Singapore đã xử lý 537,6 triệu tấn hàng và 32,6 triệu đơn vị container năm 2013, là cảng lớn thứ hai thế giới. Cảng tiếp nhận 140 nghìn tàu mỗi năm và kết nối với hơn 600 cảng trên thế giới. Một dự án mở rộng nhà ga lớn đang được tiến hành tại cảng Singapore và dự kiến khi hoàn thành vào năm 2020, cảng sẽ được bổ sung thêm 15 bến tàu mới.
3. Cảng Thâm Quyến – Trung Quốc
Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc, chỉ xếp sau Thượng Hải, cảng đã tiếp nhận 22,94 triệu đơn vị container vào năm 2012 và tăng lên 23,28 triệu trong năm tiếp theo. Cảng Thâm Quyến nằm kề cảng Hồng Kông (cách 20 hải lý). Từ một làng chài nhỏ bé nhìn sang là Hồng Kông hoa lệ, Thâm Quyến vụt lên trở thành một thành phố hiện đại với nhiều tòa nhà chọc trời và là thành phố có nhiều cảng biển nhất Trung Quốc (17 cảng). Cảng Thâm Quyến đã góp phần làm cho thành phố này trở thành một trong những đặc khu kinh tế hàng đầu Trung Quốc.
4. Cảng Hồng Kông – Trung Quốc
Cảng Hồng Kông đã từng là cảng lớn nhất Trung Quốc, nhưng ngày nay, khi nhiều tàu container dịch chuyển lên phía Bắc đến các cảng ở Đại lục, lượng container mà cảng Hồng Kông xử lý đã giảm từ 24,38 triệu trong năm 2011 xuống còn 23,12 triệu vào năm 2012 và năm 2013 chỉ còn 22,35 triệu.
5. Cảng Busan – Hàn Quốc
Cảng Busan, nằm ở cửa sông Naktong tại Hàn Quốc, là cảng lớn thứ năm trên thế giới dựa trên lượng hàng hóa. Cảng đã xử lý 298 triệu tấn hàng và 17,69 triệu đơn vị container trong năm 2013. Cảng Busan có 4 bến cảng hiện đại được trang bị đầy đủ là bến cảng Bắc, bến cảng Nam, bến cảng Dadaepo và bến cảng Gamcheon. Tháng 7/2010, Cảng Busan mới đã khánh thành 11 bến mới. Những bến này đều do Công ty Tân Cảng Busan, Hanjin Shipping và Hyundai điều hành. Dự kiến đến năm 2015 cảng Busan mới sẽ có 30 bến tàu.
Cảng Busan xử lý 40% tổng cước phí vận tải biển xuất khẩu, 80% cước vận chuyển container và 42% sản lượng thủy sản của Hàn Quốc. Cảng Busan được trải rộng trên một diện tích 840.000 m², có chiều dài 26,8 km và có khả năng xử lý 169 tàu cùng một lúc.
6. Cảng Ninh Ba – Chu Sơn – Trung Quốc
Cảng Ninh Ba nằm ở ven biển tỉnh Chiết Giang, đây là một trong những hải cảng lâu đời nhất của Trung Quốc với hơn 1.200 năm lịch sử, là nơi hội tụ của tam giác kinh tế sông Trường Giang và duyên hải miền Đông Trung Quốc. Cảng gồm 309 bến tàu và kết nối với hơn 600 cảng biển ở 100 quốc gia trên thế giới. Gần đây, cảng Ninh Ba được sáp nhập với cảng Chu Sơn và tổng số lượng container của hai cảng này gộp lại là 17,33 triệu, sức chứa hàng hóa 16,83 triệu tấn vào năm 2013.
7. Cảng Thanh Đảo – Trung Quốc
Cảng Thanh Đảo, nằm ở lối vào vịnh Giao Châu trên bờ biển phía nam của bán đảo Shadong, nhìn ra biển Hoàng Hải, xử lý hơn 400 triệu tấn hàng và 15,52 triệu đơn vị container trong năm 2013 và hiện đang là cảng lớn thứ bảy trên thế giới. Cảng được biết đến là cảng lớn nhất thế giới về quặng sắt và cảng lớn nhất của Trung Quốc về dầu thô. Cảng hợp nhất với cảng Thanh Đảo cũ, cảng dầu Hoàng Đảo và cảng mới Thiên Vạn, và được kết nối với hơn 450 cảng ở hơn 130 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Khu phát triển công nghệ và kinh tế Thanh Đảo, Khu thương mại tự do Thanh Đảo và Khu công nghiệp công nghệ cao Thanh Đảo đều nằm trong vùng lân cận của cảng. Cảng được điều hành bởi Tập đoàn cảng Thanh Đảo (Quingdao Port Group).
8. Cảng Quảng Châu – Trung Quốc
Cảng Quảng Châu xử lý hơn hơn 460 triệu tấn hàng hóa và 15,31 triệu đơn vị container. Cảng nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Châu Giang. Cảng xử lý 100 triệu tấn hàng hóa đầu tiên vào năm 1999 và cho đến nay, lượng lưu thông hàng hóa đã tăng lên đáng kể hàng năm.
Cảng Quảng Châu bao gồm bốn khu vực chính là Cảng trung tâm, cảng Hoàng Phố, cảng Tân Sa và cảng Nam Sa. Cảng Quảng Châu hiện đang là cảng bốc dỡ than lớn nhất Trung Quốc.
9. Cảng Jebel Ali – Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
Cảng Jebel Ali xử lý 13,64 triệu đơn vị container trong năm 2013, tăng từ 13,3 triệu trong năm 2012. Thị trấn cảng Jebel Ali nằm cách 35 km về phía tây nam của thành phố Dubai. Khu vực này là nơi hoạt động của hơn 5.000 công ty từ 120 quốc gia. Vì vậy, Cảng Jebel Ali được coi là một trong số các cảng thương mại khá sầm uất trên thế giới.
Jebel Ali là thị trường có sức tiêu thụ lớn các mặt hàng về chè, nông sản và lương thực thực phẩm. Khu cảng và thị trường tiêu thụ tại Jebel Ali hứa hẹn sự phát triển tốt đối với thương mại quốc tế của Việt Nam.
10. Cảng Thiên Tân – Trung Quốc
Là cảng lớn thứ mười trên thế giới, trong năm 2013 cảng đã chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý của thông lượng hàng hóa và container tương ứng là 5,3% và 6,2%. Cảng xử lý 476 triệu tấn hàng hóa và 13,01 triệu đơn vị container trong năm 2013.
Tọa lạc tại cửa sông Hải Hà thuộc miền Bắc Trung Quốc, cảng Thiên Tân kết nối với hơn 500 cảng và phục vụ 189 quốc gia. Cảng hiện tại có 159 bến và được tạo thành từ các cảng phía Bắc, bến cảng phía Nam, một khu kinh tế tại khu vực phía Nam, khu vực phía Đông và các bến cảng phụ trợ khác.