10 sự kiện thủy sản Việt Nam 2014

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2014 đi qua với những biến động của nền kinh tế Việt Nam nói chung và tình hình sản xuất nông nghiệp nói riêng; trong đó, lĩnh vực thủy sản đã vượt qua nhiều rào cản; thể hiện là mũi nhọn tạo giá trị lớn cho ngành nông nghiệp. Cùng Thủy sản Việt Nam điểm lại những dấu ấn năm qua.

1. Xuất khẩu tiếp tục đạt kỷ lục

Lần đầu tiên giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 8 tỷ USD và trở thành ngành có tỷ trọng xuất siêu lớn nhất trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu tôm năm 2014 đứng vị trí quán quân trong các ngành hàng nông sản, với kim ngạch hơn 4 tỷ USD.

 

2. Nghị định 36 chính thức ban hành

Ngày 29/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 20/6/2014) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Nghị định là cột mốc quan trọng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng, quản lý ngành cá tra theo hướng bền vững và phát triển cá tra thành sản phẩm xuất khẩu chiến lược, tác động lớn tới chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp cá tra Việt Nam. (Mới đây, do điều kiện thực hiện chưa thuận lợi, Chính phủ đồng ý lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra xuất khẩu tới 31/12/2015).

 

3. Nghị định 67 – Sinh lực mới cho nghề cá

Tiếp tục những chính sách ưu đãi cho thủy sản, ngày 7/7/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản vừa chính thức ban hành, được đánh giá là một chính sách hoàn thiện nhất từ trước đến nay, để phát triển nghề cá và giúp ngư dân khắc phục khó khăn, yên tâm bám biển. Hàng loạt cơ chế ưu đãi về vốn tín dụng và cơ chế bảo hiểm cho ngư dân ra đời. Theo Nghị định 67, chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp; thời hạn cho vay 11 năm.

 

4. Nhập khẩu vẫn cao

Nhập khẩu thủy sản nguyên liệu của Việt Nam cả năm 2014 khoảng 1 tỷ USD, tăng 44% so năm 2013. Dự kiến nhập khẩu thủy sản nguyên liệu trong năm 2015 sẽ lên 1,2 tỷ USD, tăng 20% so năm 2014. Do các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu tôm, cá ngừ, cá biển để bảo đảm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong đó tôm nhập khẩu khoảng 450 triệu USD, cá ngừ 215 USD, cá biển các loại 350 triệu USD. Điều này góp phần thúc đẩy ngành chế biến thủy sản phát triển nhưng dẫn đến tình trạng lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và nguy cơ mất cân đối giữa nuôi trồng và năng lực chế biến thủy sản trong nước.

 

5. WTO bảo vệ tôm Việt Nam

Ngày 17/11, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố phán quyết cuối cùng của Ban hội thẩm (Panel) đối với các khiếu kiện của Việt Nam liên quan việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Ban hội thẩm đã xem xét 11 nội dung khiếu kiện của Việt Nam và đưa ra phán quyết với 7 nội dung có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.

 

6. Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ ba – 2014

Với định kỳ 5 năm/2 lần, Danh hiệu “Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam lần thứ ba – 2014” kế thừa tiêu chí bình chọn và trao thưởng của các năm 2009, 2012. Từ gần 300 hồ sơ đăng ký tham gia của các tập thể, cá nhân trên cả nước, đã chọn ra 101 tập thể, cá nhân tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, 10 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc nhất được nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT.

 

7. Rào cản thương mại gia tăng

Thuế chống bán phá giá tôm POR8 cao nhất từ trước tới nay: Ngày 19/9/2014, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng, thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8); mức giá chung là 25,76%. Trước mắt, mức thuế này ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý IV/2014.

Thị trường từ chối nhập khẩu: Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những rào cản đang tồn tại đối với xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung trong các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Bộ An toàn và Dược phẩm Hàn Quốc đang áp dụng chế độ kiểm soát chặt đối với mặt hàng thủy sản tẩm gia vị (cá bò khô tẩm gia vị) của Việt Nam vào nước này. Các thị trường nhập khẩu chính (EU, Mỹ, Nhật, Brazil, Mexico…) đều đưa ra các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt đối với hàng thủy sản xuất khẩu.

Nhiều lô hàng nhiễm kháng sinh, hóa chất: Từ đầu năm 2014 đến nay, 29 lô hàng thủy sản nuôi bị cảnh báo có kháng sinh Oxytetracycline vượt giới hạn cho phép tại EU, Nhật Bản; 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU. Mới đây, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của EU cảnh báo tình trạng trên gia tăng đột biến với các lô hàng thủy sản từ Việt Nam, có doanh nghiệp bị cảnh báo 7 – 8 lần trong năm 2014.

Mỹ áp thuế chống phá giá cá tra, basa. Kết quả này được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đưa ra với sản phẩm cá tra, basa Việt Nam, sau khi rà soát thuế lần thứ hai. Theo đó, ít nhất trong 5 năm tới, sản phẩm cá da trơn Việt Nam vẫn bị áp thuế chống bán phá giá.

 

8. Lần đầu tiên cá ngừ lên sàn Đấu giá Nhật Bản


Sản phẩm cá ngừ Việt Nam được đấu giá tại Trung tâm Bán đấu giá TP Osaka (Nhật Bản); với giá bình quân 1.200 yên/kg (tương đương 240.000 đồng/kg), cao hơn 2,5 lần so giá của các đại lý mua cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Nghề câu cá ngừ đại dương đang được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ trong áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến phương pháp thu câu của Nhật Bản, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác.

 

9. Biển Đông “dậy sóng”

Ngày 1/5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào sâu thềm lục địa Việt Nam. Suốt hai tháng rưỡi, Trung Quốc huy động 140 tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự mang vũ khí cùng máy bay tiêm kích hộ tống giàn khoan, dùng vòi rồng phun nước và tàu to đâm thẳng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Sau 75 ngày hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, do sức ép quyết liệt của cộng đồng quốc tế và sự đấu tranh mạnh mẽ từ phía Việt Nam, Trung Quốc đã phải rút giàn khoan Haiyang Shiyou 981 về nước.

 

10. Thành lập Cục Kiểm ngư


Ngày 15/4, Cục Kiểm ngư (trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) được thành lập. Lực lượng Kiểm ngư sẽ thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên vùng biển Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân yên tâm sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền quốc gia trên vùng biển Việt Nam.

>> Theo dự báo của ngành, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD, tăng 10,7% so năm 2014; trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra tương đương với năm 2014; các mặt hàng thủy sản khác tăng nhẹ.

TSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!