(TSVN) – Trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tôm vẫn là mặt hàng có giá trị cao nhất, với 326 triệu USD trong tháng 5/2024, đưa tổng giá trị xuất khẩu tôm 5 tháng lên hơn 1,3 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ xuất khẩu tăng, nên tôm nguyên liệu tại thị trường trong nước đã tăng như: tôm thẻ loại 50 – 60 con/kg ở mức 80.667 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg, loại 100 con/kg ở mức 108.333 đồng/kg, tăng 2.600 đồng/kg).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm thẻ chân trắng là mặt hàng mang lại giá trị cao nhất với 935 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tới 72% trong tổng thị phần xuất khẩu các loại tôm. Tiếp đến là tôm sú chiếm 12% đạt 155 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, tôm hùm cũng là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu đáng kể, chiếm hơn 8% với giá trị xuất khẩu đạt trên 106 triệu USD, tăng gấp gần 70 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng đột phá của tôm hùm. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn đều có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua.
Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay Trung Quốc đã soán ngôi vị của Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam, chiếm 20% tỷ trọng. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng rất mạnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, đem về 240 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt khoảng 210 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ khởi kiện chống trợ cấp lên ngành tôm Việt Nam vào cuối năm ngoái và đến cuối tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế sơ bộ vụ kiện này là 2,84%. Thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nước ta vẫn đang kỳ vọng khi tới đây DOC qua Việt Nam phúc thẩm, nếu mức thuế này giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể bị hủy bỏ.
Theo VASEP, dù mới có kết quả sơ bộ, nhưng vụ kiện chống trợ cấp tôm nhập khẩu từ 4 nước trong đó có Việt Nam đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tôm sang Mỹ, vì ngay sau khi có kết quả sơ bộ, các nhà nhập khẩu phải đóng tiền đặt cọc khi nhập khẩu tôm.
Xuất khẩu tôm sang EU trong 5 tháng đầu năm 2024 xấp xỉ 150 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang các thị trường đơn lẻ chính trong khối đều tăng trưởng 2 con số: xuất khẩu sang Đan Mạch tăng 88%, sang Đức tăng 29%, sang Hà Lan tăng 37%, sang Bỉ tăng 39%.
Theo nhà sáng lập Shrimp Insights Willem van der Pijl cho biết, 3 nguồn cung tôm chính thế giới trong quý đầu năm 2024 là Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với 3 nguồn cung này ở nhiều thị trường.
Xuất khẩu tôm Việt Nam cạnh tranh gay gắt với các đối thủ tại nhiều thị trường. Ảnh: TTXVN
Trong đó, nguồn cung tôm lớn nhất là Ecuador. Xuất khẩu tôm Ecuador ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng trong vài năm gần đây. Trong khi tất cả các nguồn cung lớn thế giới đều phải vật lộn để duy trì khối lượng xuất khẩu của mình thì Ecuador đã tăng khối lượng xuất khẩu một cách đáng kể mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với những năm trước. Năm 2023, xuất khẩu tăng 14% và đạt 1,214 triệu tấn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của Ecuador năm 2023 giảm 5% xuống chỉ còn dưới 6 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất của Ecuador. Đây là thị trường tiêu thụ phần lớn các sản phẩm đạt chất lượng HOSO của Ecuador. Năm 2023, xuất khẩu từ Ecuador sang Trung Quốc tăng 17%, đạt 714.877 tấn. Trung Quốc chiếm 59% tổng khối lượng xuất khẩu của Ecuador. Xuất khẩu sang châu Âu tăng 18%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng 17%.
Sau Ecuador, Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn thứ hai. Xuất khẩu tôm của Ấn Độ năm 2023 đạt 712.914 tấn, trái với hầu hết kỳ vọng, tăng 1%, tăng nhẹ so với năm 2022. Tổng giá trị xuất khẩu giảm từ 5,5 tỷ USD xuống còn 4,9 tỷ USD năm 2023. Trong quý I/2024, khối lượng xuất khẩu tôm của Ấn Độ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; Xuất khẩu tôm chân trắng của Ấn Độ tăng 5%, tôm sú tăng 7% và tôm giá trị gia tăng tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sú ổn định và xuất khẩu tôm khai thác tự nhiên tiếp tục giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Ấn Độ, chiếm 40 – 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng Ấn Độ đang mất thị phần vào tay Ecuador. Để kích thích tăng trưởng, nhiều người nuôi tôm Ấn Độ đã chuyển từ tôm thẻ chân trắng sang tôm sú. Sản lượng tôm sú đã vượt 50.000 tấn vào năm 2023 và dự kiến sẽ còn tăng.
Trong khi đó, Indonesia chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ tôm chân trắng nguyên liệu và các sản phẩm tôm giá trị gia tăng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh từ Ecuador đang làm lung lay vị trí của Indonesia trên thị trường Mỹ. Indonesia không phải là nhà cung cấp chính các sản phẩm tôm thịt cho Mỹ, tuy nhiên Indonesia vẫn là nguồn cung quan trọng tôm HLSO nguyên liệu (gồm tôm EZP) và các sản phẩm GTGT (tôm hấp và tôm bao bột). Indonesia cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ Ấn Độ, nhất là các sản phẩm tôm hấp và tôm bao bột vì Ấn Độ đang có mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm GTGT. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc không ổn định, các thị trường châu Á khác và EU thường không nhập nhiều tôm Indonesia. Quý I/2024, xuất khẩu tôm Indonesia giảm 8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm chân trắng giảm 18%, tôm GTGT giảm 3%, tôm sú giảm 12%, xuất khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh khác tăng 20%.
Anh Vũ