50 tấn cá chết ở Thanh Hóa: Các đoàn chuyên môn lấy mẫu độc lập

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây, Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ NN-PTNT) và Trung tâm Quan trắc môi trường (Bộ TN-MT) đã tới Thanh Hóa lấy mẫu nước biển để tìm nguyên nhân hàng chục tấn cá bị chết.

Sáng 13/9, Viện nghiên cứu Hải sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã vào lấy mẫu nước biển ở 3 xã của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), để tìm nguyên nhân khiến hàng chục tấn cá bị chết vừa qua.

chuyen gia lay nuoc bien

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng cho biết, từ chiều 13/9 đến sáng 14/9, đoàn công tác sẽ lấy mẫu nước 1 giờ/lần, tại 3 địa điểm có cá chết là xã Nghi Sơn, Tĩnh Hải và Hải Tiến thuộc huyện Tĩnh Gia, để đưa về kiểm nghiệm. Đoàn sẽ làm việc tại đây từ ngày 12/9 đến ngày 12/10.

Cũng trong ngày 13/9, Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng với Sở TN-MT Thanh Hóa đã vào Nghi Sơn để lấy mẫu nước ở tầng mặt, giữa và đáy tại các khu vực quanh đường ống ngầm dưới biển của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, Đoàn cũng lấy mẫu tại một số khu biển có cá chết ở xã đảo Nghi Sơn để làm rõ nguyên nhân. Được biết, Trung tâm Quan trắc môi trường và Viện nghiên cứu Hải sản hoạt động độc lập.

Liên quan đến việc súc rửa đường ống của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Trần Chí Thanh, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết: Ngày 8/6, ông Terumitsu Hayashi, Phó Tổng giám đốc dự án/Giám đốc công trường JGCS Consortium – nhà thầu chính dự án Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn đã gửi công văn tới Ban Quản lý KKT Nghi Sơn, thông báo về hoạt động xả nước thử áp lực, súc rửa đường ống của nhà máy.

ca chet qua nhieu

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở Thanh Hóa đang khiến người dân hoang mang, lo lắng. Nhiều gia đình rơi vào cảnh điêu đứng vì nợ.

Theo đó, từ ngày 9 – 16/6, nhà thầu phụ SKI/HHI – thuộc tổng thầu JGCS sẽ tiến hành xả nước thải thử áp lực và súc rửa đường ống kép dẫn dầu thô qua phao nổi rót dầu không bến (SPM), tại vị trí ngoài khơi cách bờ 35 km.

Tổng thầu JGCS khẳng định giám sát liên tục 24h toàn bộ quá trình, trong thời gian 6 – 8 ngày xả thải ngoài khơi qua các đường ống nổi và tiến hành lấy mẫu nước để phân tích tại các phòng thí nghiệm có giấy phép.

Các kết quả xét nghiệm này sẽ làm căn cứ đối chiếu với các chỉ tiêu quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ TN-MT duyệt. Công văn này cũng nhằm thông báo, mời thành viên của Ban QL KKT Nghi Sơn chứng kiến việc lấy mẫu nước tại vị trí xả ngoài khơi.

Ngay sau đó, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã tiến hành súc rửa đường ống, thử áp lực. Tuy nhiên, khi vừa tiến hành, Ban QL KKT Nghi Sơn đã yêu cầu dừng hoạt động này do lo ngại gây ô nhiễm môi trường. Theo quan điểm của tổng thầu JGCS, chỉ cần thực hiện theo đúng ĐTM nhưng Ban QL KKT đã yêu cầu phải được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra mẫu nước xả, cho phép mới được xả thải.

Đề cập đến việc cá chết hàng loạt ở Nghi Sơn có liên quan đến việc nạo vét luồng lạch của Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn hay không, ông Thanh cho biết cá chết ở xã đảo Nghi Sơn nằm hoàn toàn biệt lập và cách xa khu vực nạo vét của đơn vị này, nên nguyên nhân này là không thể(!?).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân cá chết bước đầu được xác định là do tảo nở hoa.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, cán bộ các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tới khu vực biển Nghi Sơn để làm rõ nguyên nhân. Sở TN-MT tỉnh này trong quá trình kiểm tra đã phát hiện tại khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ. Toàn bộ khu vực nuôi cá lồng của xã Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ đậm hơn, nhiều cặn lơ lửng.

Sau khi đưa mẫu nước đi phân tích, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên, cá lồng chết hàng loạt là do tác động của loài tảo Hairoi – Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ).

Việt kết luận cá chết do thủy triều đỏ (tảo nở hoa), khi các nhà chuyên môn chưa vào cuộc, dư luận cho rằng, UBND tỉnh đã quá vội vàng, thiếu cân nhắc.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, ngày 10/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình cá chết hàng loạt bất thường tại vùng biển Nghi Sơn (Tĩnh Gia). Theo đó, từ ngày mồng 5/9, ngư dân xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, khi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần bờ (phía sau Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn), đã phát hiện một số loài hải sản như ghẹ, cá bơn, cá thèn…chết bất thường và trôi dạt vào bờ.

Đến ngày 8/9, tại khu vực bờ biển thôn Bắc Yến, xã Hải Yến (Tĩnh Gia), cũng phát hiện cá chết dạt vào bờ. Số lượng thu ở hai khu vực này khoảng 3 tạ cá. Cùng ngày, hơn 47 tấn cá nuôi trong 207 lồng của 21 hộ gia đình ở xã đảo Nghi Sơn bất ngờ chết hàng loạt.

Nhóm PVMT

Báo Người đưa tin

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!