Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến tối 20/9, bão số 5 đã ảnh hưởng và gây thiệt hại đối với các tỉnh, TP từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, làm 6 người chết và 112 người bị thương.
Bên cạnh đó, bão số 5 cũng làm sập đổ hoàn toàn 13 căn nhà; 22.716 căn bị tốc mái, hư hỏng; 36 điểm trường bị ảnh hưởng; 1.439 ha lúa và 2.449 ha hoa màu, 105 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, thiệt hại; nhiều cột điện, trạm biến áp… gãy đổ; 16,5 km bờ biển, bờ sông và 25 km đường quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng.
Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế là địa phương chịu nhiều thiệt hại với 4 người chết, 92 người bị thương, 10 nhà bị sập, hơn 21.283 nhà cùng 20 trường học bị tốc mái, trên 15.000 cây xanh dọc các tuyến phố ở TP Huế bị gãy cành, bật gốc. Ước tính thiệt hại tài sản ở địa phương này khoảng 505 tỉ đồng. Thừa Thiên – Huế đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 150 tỉ đồng để khôi phục hạ tầng các công trình dân sinh thiết yếu và hơn 14.000 nhà ở cho người dân bị sập, tốc mái; đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khắc phục nhanh sự cố về điện; hỗ trợ xử lý kè chống sạt lở bờ biển với chiều dài 6,7 km.
Trạm biến áp bị đổ trong bão số 5 ở Thừa Thiên – Huế Ảnh: Quang Nhật
Cùng ngày, chính quyền và người dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đồng loạt ra quân Ngày Chủ nhật xanh giải phóng cây xanh ngã đổ, tổng dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả sau bão số 5. Tại TP Huế, khi kiểm tra tuyến đường đi bộ phía Bắc sông Hương, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng làm thông thoáng tuyến đi bộ này; kiểm tra, khắc phục hệ thống cây xanh, với những cây bật gốc thì thay thế mới. Sắp tới, địa phương này sẽ nghiên cứu để triển khai trồng các loại cây có khả năng chịu được bão. Thừa Thiên – Huế sẽ có cuộc họp chuyên sâu và quy mô về vấn đề này nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp để quy hoạch hệ thống cây xanh bền vững, bảo đảm cảnh quan đô thị, môi trường…
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh có 9 người bị thương, 66 người đi rừng chưa liên lạc được, nhiều trạm biến áp bị chập điện gây mất điện, 27 ngôi nhà bị tốc mái và hàng chục hecta hoa màu bị hư hỏng. Do ảnh hưởng của bão, nhiều tuyến đường bị xói lở, nhiều bản làng ở các huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa bị cô lập, chia cắt.
Tại Quảng Nam, theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, do ảnh hưởng của bão số 5, từ tối 16 đến ngày 18/9, trên địa bàn huyện có mưa lớn trên diện rộng, gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở đất làm thiệt hại hơn 173,4 tỉ đồng. Đây là địa phương bị ảnh hưởng bão số 5 nặng nhất tại tỉnh Quảng Nam. Mưa lũ cũng làm mất điện trên toàn địa bàn huyện Tây Giang từ 5 giờ ngày 18-9, đến nay chỉ các xã vùng thấp có điện trở lại. UBND huyện Tây Giang cho hay toàn bộ tuyến đường đi vùng cao và các tuyến giao thông nông thôn tại các xã trên địa bàn đều bị sạt lở, nhiều tuyến đứt gãy gây cô lập hoàn toàn. Đến nay, mới chỉ có tuyến đường Hồ Chí Minh đến trung tâm huyện được khắc phục thông tuyến. UBND huyện Tây Giang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ khẩn cấp 65 tỉ đồng để kịp thời khắc phục giao thông trên tuyến đường huyết mạch, cầu treo, nước sinh hoạt, thủy lợi, xử lý các điểm giao thông xung yếu, hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người dân.