2013 tiếp tục là một năm khó khăn của ngành cá tra Việt Nam, khủng hoảng và chạm đáy. Đã có nhiều giải pháp đưa ra ứng cứu, tuy nhiên, hiệu quả vẫn rất mờ mịt. Cùng Thủy sản Việt Nam nhìn lại 12 tháng qua của “con cá vàng” này.
1. Hiệp hội Cá tra Việt Nam ra đời: Sau hơn 4 năm vận động, ngày 2/3/2013, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vietnam Pangasius Association – VN Pangasius) chính thức ra đời, trụ sở chính đặt tại Cần Thơ. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập dựa trên sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu; hoạt động nghiên cứu, dịch vụ hỗ trợ sự phát triển bền vững ngành hàng cá tra. Hiệp hội ra đời được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, bất cập, để tận dụng lợi thế gần như độc quyền “trời cho”, chưa có sự cạnh tranh nào, góp phần đưa ngành cá tra phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả.
2. Mức thuế chống bán phá giá “khủng”: Rạng sáng 5/9/2013 (theo giờ Việt Nam), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định tăng thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra trong đợt rà soát hành chính lần 9 (POR9) giai đoạn 1/8/2011 – 31/7/2012. Lần này DOC áp mức thuế suất cao gấp đôi so với POR8; cụ thể Công ty Vĩnh Hoàn là 0,42 USD/kg, Công ty Hùng Vương lên tới 2,15 USD/kg, các bị đơn tự nguyện khác cũng lên tới 0,99 USD/kg, các công ty còn lại là 2,11 USD/kg. Nguyên nhân của việc tăng đột biến mức thuế bán phá giá lần này là do DOC đã chọn Indonesia làm quốc gia thay thế Bangladesh để tính giá cá tra của Việt Nam. Đây là quyết định bất ngờ và có nhiều điều bất hợp lý không được giải quyết thỏa đáng tương tự đợt rà soát POR8 trước. Tuy nhiên, DOC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 3/2014, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn còn thời gian để xem xét, khiếu kiện về quyết định này.
3. Cá tra còn nhiều tiềm năng tại Mỹ: VASEP cho biết, sau khi DOC tăng thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam, tuy giá cá nhập khẩu tăng thêm 30 – 70 cent/kg nhưng các nhà thu mua cá tra của Mỹ vẫn tiếp tục tìm thêm nguồn cung từ Việt Nam. Công ty Maritime Products International tại Newport News (bang Virginia) là một trong những doanh nghiệp ủng hộ cá tra sớm nhất, bởi cá tra có chất lượng và hương vị đang được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Maritime Products International đánh giá cá tra là loài cá dành cho mọi người tiêu dùng trên thế giới. Ngay sau khi được đưa ra bán lẻ, cá tra đã có thị trường ngách trong phân khúc dịch vụ thực phẩm, được ghi vào thực đơn tự chọn hoặc làm nguyên liệu chế biến thức ăn nhanh fish-and-chips. Công ty tin rằng, cá tra còn nhiều tiềm năng tại thị trường Mỹ nếu được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.
Năm 2014, cá tra sẽ tiếp tục là mặt hàng chủ lực kéo xuất khẩu thủy sản tăng trưởng – Ảnh: Ngọc Trinh
4. Khởi động dự án “ứng cứu” cá tra: Ngành cá tra Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều giải pháp nhằm vực dậy ngành sản xuất này đã được đưa ra, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thật hiệu quả. Trước thực trạng này, Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” có tổng trị giá 2,4 triệu euro, trong đó EU tài trợ 1,9 triệu USD, Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (chủ trì dự án) phối hợp với VASEP, WWF-Việt Nam, WWF-Áo triển khai đầu tháng 8/2013 được nhiều chuyên gia đánh giá như “cái phao” cứu ngành cá tra. Liệu SUPA có là “cú hích hy vọng” giúp người nuôi có lợi nhuận và quan trọng là kết nối thị trường, đảm bảo đầu ra bền vững? Câu trả lời còn ở phía trước, nhưng hy vọng SUPA có thể thực hiện đúng mục tiêu “đẩy” và “kéo” mà nó đã đề ra.
5. Cá tra Việt Nam “vượt mặt” cá da trơn: Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) vừa công bố danh sách xếp hạng thường niên 10 loại thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất năm 2012. Theo đó, cá tra của Việt Nam (pangasius) tiếp tục vượt cá da trơn Mỹ để giữ vững vị trí thứ 6 trong top 10. Trong khi đó, cá da trơn của Mỹ từ vị trí thứ 7 trong năm 2011 đã tụt hạng xuống thứ 9. Top 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ trong năm 2012 theo thứ tự sau: Dẫn đầu là tôm với mức tiêu thụ khoảng 3,8 pound/người; tiếp theo là cá ngừ đóng hộp 2,4 pound/người, cá hồi 2,02 pound/người, cá rô phi 1,476 pound/người; cá minh thái 1,167 pound/người, cá tra Việt Nam (pangasius) 0,726 pound/người, cua 0,523 pound/người, cá tuyết 0,521 pound/người, cá da trơn 0,5 pound/người và ngao 0,347 pound/người.
6. Sẽ có trung tâm phân phối cá tra Việt Nam tại châu Âu: Ngày 10/11/2013, tại trụ sở VASEP ở TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về xây dựng trung tâm phân phối cá tra tại cảng Zeebrugge, Bỉ giữa đại diện Hiệp hội và cảng. Hoạt động này nằm trong thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Bỉ và Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU. Việc thành lập trung tâm phân phối sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm đáng kể chi phí vận chuyển nhờ việc gom hàng để chuyển từng chuyến khối lượng lớn. Ngoài ra còn cơ hội bán hàng trực tiếp với khối lượng ổn định cho các chuỗi siêu thị, các nhà bán lẻ lớn, thay vì phải qua trung gian như hiện nay. Hơn nữa, điều này cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam phải minh bạch và đồng bộ hơn về giá cả, chất lượng, từ đó hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
7. 33 vùng nuôi đạt chứng nhận ASC: Thông tin trên website asc-aqua.org cho thấy, tính đến ngày 18/12/2013 đã có 33 vùng nuôi cá tra của 28 doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận của Hội đồng Nuôi trồng Thủy sản bền vững (ASC), trong đó một số công ty có 2 trại nuôi được chứng nhận như: XNK Thủy sản An Giang, XNK Thủy sản Cửu Long, Gò Đàng, Hùng Vương, Vĩnh Hoàn. Số trại nuôi cá tra đạt chứng nhận này chủ yếu tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… Việc đạt chứng nhận ASC giúp lấy lại hình ảnh cá tra ở thị trường ngoài nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.