(TSVN) – Trong thế giới đại dương có vô vàn những sinh vật tuyệt đẹp mà không phải ai trong chúng ta cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng trực tiếp. Trong bài viết này, hãy cùng Thủy sản Việt Nam ngắm nhìn 8 loài sinh vật biển tuyệt đẹp và khám phá thêm về chúng nhé!
Dưới lòng đại dương, hải sâm có đến hơn 3.000 loài và sống ở các vùng biển trên khắp thế giới. Chúng là loài nhuyễn thể thân mềm, sống ở tất cả các vùng biển trên thế giới, còn được gọi với tên thân thiện là sên biển.
Hải sâm có nhiều loại, nhiều màu sắc, hoa văn tươi sáng, đẹp mắt. Mặc dù với đa số các loài vật có màu sắc sặc sỡ thường mang độc nhưng hải sâm thì không. Hải sâm còn được coi là “cô lao công” của biển cả vì chúng ăn xác chết của động vật, phù du và chất hữu cơ dưới đáy biển.
Bạch tuộc vân (Danh pháp khoa học: Amphioctopus marginatus) hay còn gọi là bạch tuộc dừa, là một loài bạch tuộc trong họ Octopodidae. Chúng là loài thông minh và biết dùng những chiếc vỏ dừa làm nơi trú ẩn di động. Ban đầu chúng nhấc vỏ dừa lên, dùng xúc tu quét sạch bùn trên đó. Khi di chuyển, xúc tu sẽ cuốn lấy nửa mảnh vỏ dừa và đặt nó dưới cơ thể, giúp chúng ung dung lướt đi dưới đáy biển.
Sao giòn thuộc lớp Ophiuroidea của ngành Echinodermata. Chúng cũng là những sinh vật rất sặc sỡ và chỉ sống ở biển. Chúng có khả năng sống sót ở cả vùng biển nông và sâu.
Sao giòn có các cánh tay dài tách biệt rõ ràng ở vùng đĩa trung tâm. Những cánh tay này dài và giòn, rất dễ vỡ khi bị thương nhưng cũng phục hồi nhanh. Hệ tiêu hóa của sao giòn chưa hoàn thiện. Mặc dù chúng có miệng, thực quản và dạ dày nhưng lại không có hậu môn. Do đó, việc tống chất thải ra ngoài diễn ra qua đường miệng. Đây cũng là động vật ăn xác thối hoặc động vật ăn thịt.
Chúng có tên tiếng Anh là Mantis shrimp vì hình dạng rất giống bọ ngựa, nhất là đôi chân ngực thứ hai có hình lưỡi lái với những gai lớn, co duỗi linh hoạt.
Thân của tôm chỉ được bao bọc bởi một lớp vỏ ngoài từ phía sau đầu cho đến 4 đốt đầu tiên của thân. Chiều dài thân có thể đến 40 cm, nặng 250 g. Màu sắc thân thay đổi tùy loài từ nâu, xanh lục, đen nhạt đến hồng, vàng nhạt.
Tôm bọ ngựa ăn động vật, nhuyễn thể và giáp xác nhỏ hơn, chúng sống vùi, ẩn nấp trong hang hay kẽ đá, chỉ chui ra khỏi nơi trú ẩn để tìm mồi và tùy loài có thể sinh hoạt ban ngày hoặc ban đêm.
Phân bố rộng rãi ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới trên toàn cầu. Thịt ngon, có thể dùng làm thức ăn cho người hoặc vật nuôi. Ở Việt Nam đã phát hiện được 105 loài, loài phổ biến có kích thước lớn là tôm bọ ngựa Squilla rephidea.
Cá rồng biển thân lá có danh pháp khoa học: Phycodurus eques hay còn gọi là Hải long lá, là một loài cá thuộc họ Cá chìa vôi. Nó là loài duy nhất trong chi Phycodurus. Chúng được tìm thấy dọc theo bờ nam và tây biển Australia. Tên gọi xuất phát từ hình dạng giống chiếc lá, dùng để ngụy trang.
Cá rồng biển thân lá loài vật biển biểu tượng của bang Nam Úc và là trung tâm của bảo tàng biển.
Cá rồng biển thân lá dùng cái miệng dài nhỏ để hút con mồi vào trong. Thức ăn ưa thích của chúng thường là các loài không xương sống nhỏ sống quanh quẩn bên những đám tảo bẹ ở biển.
Thân hình giống chiếc lá giúp chúng ngụy trang giỏi nên cá dữ khó mà biết để ăn thịt. Khi cần tự vệ hay tấn công, chúng co người lại rồi chĩa những cái gai trên mình ra. Loài này có thể đứng yên một chỗ lâu đến 68 giờ.
Cá chuồn đất Đại Tây Dương có tên tiếng Anh chung là Flying Gurnard, một loài cá biển trong họ Dactylopteridae. Loài cá này sinh sống ở các vùng biển ôn đới ấm đến nhiệt đới ở cả hai bờ của Đại Tây Dương. Độ sâu sinh sống 1 – 100 m.
Loài cá này có màu sắc biến đổi, hoặc là ánh nâu hoặc là ánh lục với các vệt màu ánh đỏ hay vàng. Khi bị kích động, chúng xòe “đôi cánh” gần như trong suốt, với màu xanh lam tươi ở rìa. Cánh có công dụng để xua đuổi kẻ săn mồi, không giúp chúng di chuyển trong lòng đại dương như các vây của cá chuồn khác. Loại cá này cũng có đôi mắt lớn. Cơ thể của chúng đạt đến chiều dài đến 50 cm và trọng lượng đến 1,8 kg.
Loài giun này có tên khoa học là Spirobranchus giganteus, phân bố rộng rãi khắp các đại dương nhiệt đới trên thế giới. Chúng thường được tìm thấy khi “cắm đầu” vào các rạn san hô lớn dưới đáy biển.
Điểm dễ nhận thấy nhất của loài giun này là hai “chiếc vương miện” giống như hai cây thông Noel. Những cây thông này có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn vào miệng con giun.
Ngoài ra, đây còn là cơ quan hô hấp của chúng, làm việc giống như mang. Giống như các loài giun khác, Spirobranchus giganteus có cơ thể hình ống, viền xung quanh bao phủ nhiều lông và các chi rất nhỏ giúp chúng có thể di chuyển được trên rạn san hô.
Tuy nhiên, loài giun này rất ít vận động, khi đã tìm được địa điểm ưa thích, nó sẽ không di chuyển nhiều nữa. Khi bị tấn công, những cây thông giáng sinh này cũng có thể nhanh chóng di chuyển vào hốc của các rạn san hô để lẩn tránh.
Dưa leo biển có tên khoa học là Enypniastes eximia, được phát hiện trong chuyến Dive 11 của NOAA ở Vịnh Mexico. Loài hải sâm biển sâu này được các nhà khoa học gọi là “quái vật gà không đầu” vì chúng là loài không có não thật và các cơ quan cảm giác. Tuy nhiên, chúng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc lọc trầm tích dưới đáy đại dương.
Màu sắc của Enypniastes eximia thay đổi từ hồng tươi đến nâu đỏ. Đáng chú ý, cơ thể cũng trong suốt, có thể nhìn thấy hệ tiêu hóa của chúng.
M.H
Tổng hợp