8 tỉnh có mô hình tôm – lúa lớn nhất

Chưa có đánh giá về bài viết

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển canh tác tôm – lúa. Hiện, diện tích mô hình này khoảng 160.000 ha, dự kiến năm 2015 đạt 180.000 ha. Đến năm 2020, nếu diện tích tôm – lúa đạt 200.000 ha, chúng ta sẽ có thêm khoảng 800.000 tấn lúa.

Kiên Giang

Là tỉnh có diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lớn nhất ĐBSCL, với khoảng 65.000 ha; gần đây nhiều địa phương trong tỉnh đã chuyển sang hệ thống luân canh tôm – lúa, mang lại hiệu quả bước đầu. Lợi nhuận của mô hình tôm – lúa đạt từ 10 – 30 triệu đồng/ha; trong đó từ tôm 23 – 27 triệu đồng/ha, từ lúa 3 – 7 triệu đồng/ha.

Cà Mau

Mô hình sản xuất tôm – lúa sau 3 năm triển khai đã cho hiệu quả cao. Năng suất lúa bình quân từ 3,6 tấn/ha lên 4,2 tấn/ha; sản lượng tôm từ 365 kg/ha lên gần 500 kg/ha. Năm 2012, diện tích sản xuất tôm – lúa của tỉnh đạt gần 45.000 ha; tập trung ở các huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời và TP Cà Mau. Việc triển khai mô hình này đã tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi tập quán sản xuất, từ độc canh cây lúa chuyển sang trồng đa cây, nuôi đa con trên cùng diện tích đất. Đến nay đã có gần 80% hộ nông dân được chuyển giao kiến thức, kỹ thuật canh tác tôm – lúa.

Từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, chú trọng phát triển cả về quy mô và năng suất, sản lượng tôm – lúa.

 

Bạc Liêu

Mô hình tôm – lúa của cả nước hình thành đầu tiên cách đây 40 năm, tại xã Long Điền Đông K (nay là Long Điền Đông A), huyện Đông Hải, khi nông dân tình cờ thu hoạch được tôm (chủ yếu tép đất, tép bạc) trong ruộng lúa; từ đó họ đưa nước mặn vào với mức vừa phải, để tôm phát triển song hành với lúa.

Mô hình tôm – lúa ban đầu tập trung ở 2 huyện Phước Long, Hồng Dân, với diện tích hơn 20.000 ha; sau đã thêm hơn 1.000 ha, tại các huyện Giá Rai, Đông Hải. Năm 2009, nhờ thời tiết thuận lợi và giá thành tôm lên cao, nhiều hộ sản xuất theo mô hình tôm – lúa thu được lợi nhuận. Nơi đây, đa số các hộ thả nuôi tôm 2 vụ/năm với chi phí sản xuất khoảng 15 triệu đồng/ha/vụ, nhưng lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha/vụ.

 

Mô hình tôm – lúa có tiềm năng lớn ở ĐBSCL                                                                             

Sóc Trăng

Mô hình tôm – lúa đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng ra đời tại huyện Mỹ Xuyên, với diện tích chỉ vài chục ha, sau đó nhanh chóng mở rộng ra 8.000 ha vào năm 2009. Hiện, mô hình này phát triển mạnh tới 19.000 ha và mở rộng sang nhiều địa phương khác. Sóc Trăng đã hình thành vùng sản xuất tôm – lúa theo hướng liên kết, bền vững. Quy trình xen canh tôm càng xanh, cá, cua trên ruộng lúa được ứng dụng khá thành công. Tại các địa phương thực hiện xen canh tôm sú trong ruộng lúa với mật độ thưa, khả năng thành công cũng rất lớn.

 

Bến Tre

Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, sản xuất luân canh tôm – lúa là mô hình mang tính bền vững, ổn định, cần nhân rộng. Tôm và lúa đều sạch do thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng không nhiều. Bến Tre hiện có hơn 6.600 ha luân canh tôm – lúa, năng suất lúa 4 – 4,5 tấn/ha; sản lượng tôm nuôi trung bình 350 – 400 kg/ha/năm, tăng 20 – 30% so với những đồng đất nuôi chuyên tôm không trồng lúa.

 

Đồng Tháp

Nuôi tôm càng xanh – lúa nước lợ điển hình ở tỉnh Đồng Tháp đã bước đầu đạt hiệu quả. Tận dụng lợi thế mùa nước nổi, Đồng Tháp phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Diện tích tôm – lúa hiện nay khoảng 1.300 ha, trọng điểm là huyện Tam Nông. Tỉnh đã quy hoạch mô hình luân canh tôm – lúa đến năm 2010 là 1.800 ha, năm 2015 là 4.000 ha, năm 2020 là 6.000 ha.

 

Trà Vinh

Năm 2010, riêng huyện Cầu Ngang có trên 2.500 ha sản xuất theo mô hình luân canh tôm – lúa (lúa – tôm càng xanh, lúa – tôm sú). Thấy được hiệu quả của việc trồng lúa trong ao nuôi tôm, bà con nông dân của huyện Duyên Hải, huyện Châu Thành tiếp tục nhân rộng, qua việc đưa vào gieo trồng bằng các giống lúa trúng mùa, chịu được phèn mặn và chất lượng hạt gạo ngon hơn như: các giống ST 5, Một bụi đỏ, Huyết rồng… đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cũng như giá trị hạt gạo ở địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và chứng nhận gạo hữu cơ dành cho thị trường xuất khẩu cao cấp trong nhiều năm qua.

 

Long An

Với đặc điểm 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước lợ, 4 huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ của tỉnh đã phát triển mạnh phong trào nuôi tôm sú trong ruộng lúa. Trong những năm 1992 – 1993, mô hình nuôi thử nghiệm tôm sú trên chân ruộng ngập mặn và bước đầu có hiệu quả. Đến năm 2009, mô hình tôm – lúa cho lãi bình quân 30 – 40 triệu đồng/ha, trong đó năng suất lúa khoảng 3 tấn/ha, tôm năng suất trung bình 700 – 800 kg/ha. Đến nay, diện tích nuôi tôm – lúa của tỉnh đã lên 500 ha.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!