(TSVN) – Ngày 12/5/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 2745/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về việc tăng cường chỉ đạo phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2021.
Trước tác động từ đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19, một số quốc gia sản xuất tôm lớn như: Việt Nam, Ecuador, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… đang bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, chuỗi cung ứng, sản xuất tôm bị đứt gãy, vận chuyển đình trệ, có thể dẫn đến giảm sản lượng, gây thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, một số thị trường tiêu thụ tôm lớn như: Mỹ, Trung Quốc, EU… đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu có thể tăng cao, thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu tôm của nước ta.
Nhằm chủ động nắm bắt các cơ hội để phát triển sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu tôm nguyên liệu cho chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển: quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương thực hiện một số nội dung sau:
Người nuôi chủ động nắm bắt các chỉ đạo nhằm phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩuẢnh: Phạm Thế Duyệt
1. Tiếp tục triển khai Công văn số 2620/TCTS-NTTS ngày 29/12/2020 của Tổng cục Thủy sản về việc thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2021. Riêng các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL lưu ý triển khai các giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn.
2. Tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ (Quy chế số 03/QCPH-GTS ngày 22/01/2021); tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng tôm giống để đảm bảo sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất.
3. Tăng cường kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS trong sản xuất, lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
4. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, phân bổ nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung để kịp thời khuyến cáo người dân; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch; thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm – lúa, nuôi tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao… để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
5. Phát triển các mô hình nuôi tôm nước lợ tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp gắn với kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi theo quy định. Triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp; kịp thời thông tin tới doanh nghiệp và người nuôi dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để có kế hoạch thả giống cho phù hợp.
6. Tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước.
7. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, thông tin sai sự thật trong sản xuất tôm giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, thị trường tiêu thụ tôm… làm mất ổn định sản xuất.
8. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định của Luật Thuỷ sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn; đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc và ưu tiên phân bổ nguồn lực hợp lý để triển khai thực hiện gấp việc đăng ký cấp Giấy xác nhận mã số cơ sở nuôi tôm sú, TTCT theo quy định.
9. Thường xuyên (vào thứ 5 hàng tuần) báo cáo tình hình sản xuất và tiêu thụ tôm nuôi nước lợ về Bộ (qua Tổng cục Thủy sản; email: ntts@mard.gov.vn) để phối hợp chỉ đạo sản xuất.
Phạm Thu