(TSVN) – Mới đây, tại tỉnh Cà Mau, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau phối hợp tổ chức Hội nghị Kết nối cung – cầu tôm giống nhằm đưa nhiều tôm giống có chất lượng của Ninh Thuận về với người nuôi Cà Mau.
Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển hơn 105 km, ít sông ngòi nên nước biển độ mặn cao, ít phù sa nên thuận lợi để sản xuất tôm giống, và những năm qua đã trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp “Nhãn hiệu chứng nhận Tôm giống Ninh Thuận”.
Ninh Thuận hiện có 453 cơ sở với hơn 1.200 trại sản xuất tôm giống, tổng công suất bể ương hơn 145.630 m3. Năng lực sản xuất hàng năm 40 – 50 tỷ con tôm giống, đáp ứng 30 – 40% nhu cầu cả nước. Thị trường tôm giống Ninh Thuận chủ yếu ở phía Nam, chiếm 80% sản lượng. Các thị trường lớn là Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Kiên Giang.
Đáng chú ý, Ninh Thuận có vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải hàng năm sản xuất khoảng 35% sản lượng toàn tỉnh và đang được đầu tư thành khu kiểu mẫu của cả nước. Kế hoạch số 3656/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành cuối tháng 8/2024, từ nay đến năm 2030, phát triển vùng này với tổng diện tích 205,7 ha. Vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải ở xã An Hải (Ninh Phước) diện tích 168 ha. Vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải ở xã Phước Dinh (Thuận Nam) diện tích 37,7 ha. Sẽ tập trung đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh, gắn kết với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chung của khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận, phát triển.
Hiện nay, việc đăng ký kiểm dịch giống thủy sản xuất ra khỏi tỉnh được thực hiện 100% trực tuyến qua hệ thống phần mềm quản lý thú y, giúp giải quyết nhanh và đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, sản xuất tôm giống của Ninh Thuận cũng còn nhiều khó khăn vì hạn chế kết nối cung-cầu nên thiếu ổn định.
Tỉnh Cà Mau ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km với 80 cửa biển lớn nhỏ, có 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, lớn nhất nước ta. Năm 2023, nhu cầu tôm giống 40 tỷ con, trong tỉnh chỉ sản xuất được 19,5 tỷ con (tôm sú 13 tỷ và tôm thẻ chân trắng 6,5 tỷ), còn 20,5 tỷ con phải nhập từ nơi khác (tôm sú 7,5 tỷ và tôm thẻ chân trắng 13 tỷ).
Lĩnh vực tôm giống ở Cà Mau còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Sản xuất trong tỉnh với 70% cơ sở quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, công nghệ hạn chế; chưa xây dựng được thương hiệu nên tôm giống chưa như mong muốn. Thống kê năm 2023, Cà Mau có 523 cơ sở sản xuất (quy mô 70.000 m3) và 300 cơ sở ương dưỡng tôm giống (quy mô 1.000 m3). Đa số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống được xây dựng từ năm 2000 trở về trước nên xuống cấp, chưa đáp ứng các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định.
Còn tôm giống nhập từ các nơi khác, có số lượng đáng kể chưa được kiểm dịch, không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn bày bán khắp nơi. Cà Mau sông ngòi chằng chịt, việc vận chuyển tôm giống bằng đường thủy luôn thách thức công tác quản lý, kiểm dịch.
Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận và Cà Mau phối hợp tổ chức hội nghị nhằm phát triển ngành tôm nước lợ; qua việc đồng hành cùng các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống Ninh Thuận và người nuôi tôm tại Cà Mau. Tham dự có đại diện các cơ quan quản lý và đông đảo doanh nghiệp cung ứng tôm giống Ninh Thuận, người nuôi tôm Cà Mau.
Ký kết bản ghi nhớ hợp tác sản xuất và tiêu thụ tôm giống giữa các công ty sản xuất tôm giống tỉnh Ninh Thuận với các đơn vị nuôi tôm tỉnh Cà Mau
Nội dung chính là trao đổi, thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp, công tác phối hợp triển khai kết nối cung cầu tôm giống Ninh Thuận tại Cà Mau. Giới thiệu thực trạng sản xuất tôm giống, định hướng phát triển sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận; nhu cầu tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Cà Mau. Đồng thời, ký kết bản ghi nhớ hợp tác sản xuất và tiêu thụ tôm giống giữa các công ty sản xuất tôm giống tỉnh Ninh Thuận với các đơn vị nuôi tôm tỉnh Cà Mau.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau phấn khởi: “Đây là hội nghị lần đầu tiên tổ chức, ngành nông nghiệp Cà Mau rất vui mừng, kỳ vọng tôm giống Ninh Thuận về Cà Mau nhiều hơn và người nuôi tôm Cà Mau thả tôm giống Ninh Thuận sẽ đạt hiệu quả cao hơn”. Còn lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Việc hợp tác này rất quan trọng bởi Cà Mau là thị trường tiềm năng. Hy vọng kết nối cung cầu tôm giống không ngừng phát triển, góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm nước lợ bền vững hơn trong thời gian tới”.
Sáu Nghệ