Ngày 22/5/2013, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản (GTS). Thông tư bao gồm 7 chương và 28 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2013. Thủy sản Việt Nam lần lượt trích đăng các quy định cụ thể trong Thông tư này.
Chương V: Kiểm tra điều kiện sản xuất và chất lượng giống thủy sản
Điều 16: Kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất kinh doanh GTS
1. Cơ quan kiểm tra: Là Cơ quan quản lý NTTS tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư.
2. Căn cứ kiểm tra: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định của Bộ NN&PTNT.
3. Trình tự, nội dung thực hiện kiểm tra theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT 29/3/2011 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm sản và Thông tư 01/2013/TT-BNNPTNT 4/1/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT.
Điều 17: Kiểm tra chất lượng GTS trong sản xuất kinh doanh
1. Nguyên tắc kiểm tra:
a) Việc kiểm tra chất lượng GTS (bao gồm cả các quy định về bệnh) được thực hiện tại cơ sở sản xuất.
b) Việc kiểm tra chất lượng GTS tại địa phương nơi tiếp nhận chỉ được thực hiện khi có nghi vấn. Nội dung và trình tự kiểm tra thực hiện theo nội dung, trình tự kiểm tra chất lượng GTS trong sản xuất.
c) Kiểm tra chất lượng GTS trong sản xuất kinh doanh thực hiện theo hình thức Đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra do cơ quan quản lý NTTS thành lập, cơ quan quản lý thú y tham gia, phối hợp (nếu cần).
2. Cơ quan kiểm tra:
a) Tổng cục Thủy sản: Kiểm tra đột xuất về chất lượng GTS trong sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước.
b) Cơ quan quản lý NTTS tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp kiểm tra chất lượng GTS trong sản xuất kinh doanh.
3. Căn cứ kiểm tra:
a) Tiêu chuẩn cơ sở đã công bố áp dụng;
b) Quy định của Bộ NN&PTNT về chất lượng GTS.
4. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra chất lượng GTS trên cơ sở các chỉ tiêu chất lượng đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc đăng ký áp dụng (kích cỡ, số lượng, chủng loại, tuổi, độ thuần chủng, tỷ lệ phân đàn, trạng thái hoạt động của GTS, thời gian sử dụng, số lần sinh sản,…) theo Khoản 3 Điều này;
b) Kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, dấu hợp chuẩn và hồ sơ trong quá trình sản xuất kinh doanh GTS;
c) Lấy mẫu, xét nghiệm để kiểm tra sự phù hợp của GTS với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Việc kiểm tra theo nội dung quy định tại điểm này được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu kông bảo đảm chất lượng sau khi thực hiện các nội dung quy định tại điểm a, b, Khoản 4 Điều này.
5. Hình thức kiểm tra:
a) Theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt: Là hình thức kiểm tra được thông báo trước bằng văn bản.
b) Kiểm tra đột xuất: Là hình thức kiểm tra không báo trước.
Điều 18. Kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu
1. Nguyên tắc kiểm tra:
a) Việc kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu không áp dụng đối với các trường hợp: GTS nhập khẩu để khảo nghiệm, nghiên cứu, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm.
b) Việc giảm, miễn kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu dựa trên hồ sơ lưu trữ và kết quả kiểm tra cùng một sản phẩm của cùng nhà sản uất trong thời gian trước đó, tối thiểu 03 lô hàng (đối với trường hợp giảm kiểm tra), 05 lô hàng (đối với trường hợp miễn kiểm tra) liên tiếp đạt chất lượng, Tổng cục Thủy sản quyết định và có văn bản thông báo về việc giảm, miễn kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu cho doanh nghiệp.
c) Địa điểm kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu là địa điểm thực hiện cách ly kiểm dịch.
d) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống thủy sản sau khi đã thực hiện xong thủ tục kiểm dịch tại cửa khẩu, gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu về Cơ quan kiểm tra chất lượng.
2. Cơ quan kiểm tra chất lượng:
a) Tổng cục Thủy sản: Kiểm tra chất lượng GTS bố mẹ chủ lực nhập khẩu.
b) Cơ quan quản lý NTTS tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi nuôi cách ly kiểm dịch: Kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu (trừ giống thủy sản bố mẹ chủ lực).
3. Tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng GTS nhập khẩu lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện về Cơ quan kiểm tra chất lượng. Hồ sơ gồm:
a) Giấy đề nghị kiểm tra chất lượng (03 bản) theo mẫu tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính hoặc bản sao chụp (có đóng dấu của cơ sở nhập khẩu) các giấy từ; Hợp đồng mua bán, bản kê chi tiết hàng hóa (Packinglist), hóa đơn mua bán (Invoice).
4. Trình tự thực hiện:
a) Ngay khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra, Cơ quan kiểm tra chất lượng xem xét và hướng dẫn cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định.
b) Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ trong thời gian không quá 01 ngày làm việc, Cơ quan kiểm tra xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng…
5. Nội dung kiểm tra:
a) Kiểm tra thực tế lô giống nhập khẩu với hồ sơ đăng ký;
b) Các chỉ tiêu kiểm tra đối với GTS bố mẹ: Kiểm tra kích cỡ, số lượng, tuổi, độ thuần chủng, kích cỡ sinh sản, độ thành thục, tỷ lệ đực cái, trạng thái hoạt động, cấu tạo hình thái, chỉ tiêu khác về chất lượng của giống thủy sản so với các quy định hiện hành của Việt Nam.
c) Các chỉ tiêu kiểm tra đối với con GTS để nuôi thương phẩm: Kiểm tra kích cỡ, số lượng, tuổi, độ thuần chủng, trạng thái hoạt động, cấu tạo hình thái, chỉ tiêu khác về chất lượng của GTS so với các quy định hiện hành của Việt Nam.
6. Xử lý kết quả kiểm tra:
a) Sau khi có kết quả kiểm tra (không quá 01 ngày làm việc) cơ quan kiểm tra có văn bản thông báo đạt chất lượng (theo mẫu tại Phụ lục 13) đối với lô hàng có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu và gửi cho tổ chức, cá nhân đăng ký.
b) Trường hợp kết quả kiểm tra không đảm bảo chất lượng theo quy định, Cơ quan kiểm tra có văn bản Thông báo không đạt chất lượng (theo mẫu tại Phụ lục 13) cho tổ chức, cá nhân đăng ký và xử lý vi phạm theo quy định.
Điều 19. Kiểm tra cơ sở sản xuất GTS tại nước xuất khẩu
1. Căn cứ theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận, hợp tác về GTS với cơ quan quản lý thú y thủy sản của các nước (nước xuất khẩu), Bộ NN&PTNT quyết định việc thành lập đoàn, kế hoạch và nội dung kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất GTS tại nước xuất khẩu vào Việt Nam.
2. Nội dung kiểm tra:
a) Điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh thú y;
b) Công nghệ chọn tạo và sản xuất GTS;
c) Hồ sơ trong quá trình sản xuất GTS;
d) Một số nội dung khác.
3. Kinh phí thực hiện kiểm tra: do ngân sách nhà nước bố trí hàng năm theo quy định hiện hành.