Là một trong 9 tỉnh của Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu (BĐKH) do có vị trí tự nhiên sát biển, những năm qua, Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, công tác này ở Khánh Hòa nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách do thời tiết cực đoan từ BĐKH gây ra.
Tại hội thảo khoa học “BĐKH ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội ở Khánh Hòa” vừa được tổ chức tại Nha Trang, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa, bằng chứng là nạn hạn hán, mưa lũ xảy ra thường xuyên hơn, mức độ ngày càng nặng hơn, nhiệt độ ngày càng tăng. Ngoài ra, khi đo mực nước ở hai trạm thủy triều của Nha Trang, ngành chức năng cũng đã phát hiện mực nước dâng, tuy rất nhỏ.
Nhận thức được ảnh hưởng của BĐKH đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động ứng phó với BĐKH như trồng rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch trên kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường để các địa phương lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, Khánh Hòa đã xây dựng chương trình hành động về môi trường và BĐKH. Đây là chiến lược tổng quát mang tính định hướng của tỉnh nhằm ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên trên thực tế, BĐKH tác động không đồng đều trên địa bàn, nên việc lựa chọn và xác định trọng điểm để hỗ trợ và chỉ đạo ở cấp vĩ mô là rất cần thiết nhằm biến những kế hoạch, đề án của từng ngành, từng địa phương trở nên khả thi và phù hợp hơn với thực tế.
Theo các nhà khoa học, để chủ động ứng phó với BĐKH, trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, UBND tỉnh cần chú trọng hai yếu tố tác động của BĐKH là nhiệt độ tăng và nước biển dâng. Hai yếu tố này làm cho thời tiết, khí hậu vốn quen thuộc với chúng ta ngày càng cực đoan, ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, tỉnh cần sớm xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu ứng phó với BĐKH và có giải pháp hữu hiệu với BĐKH; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho công tác này, đồng thời chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia ứng phó với BĐKH một cách chủ động. Trước mắt, tập trung hỗ trợ những vùng thường gặp thiên tai, vận động người dân xây nhà chống bão lụt, tổ chức lực lượng ứng phó chuyên nghiệp túc trực ở những địa điểm cần thiết.
Quan trọng hơn, cần huấn luyện cho người dân khả năng ứng phó và thích nghi với hoàn cảnh thiên nhiên bằng cách thay đổi tập quán và phương tiện canh tác, tạo giống mới, vật nuôi mới phù hợp với từng địa phương; nâng cao ý thức tự lực tự cường của người dân, tránh trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cộng đồng và Nhà nước.