(TSVN) – Để duy trì lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam đã chuyển hướng sang các thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc,…
Hiện tôm Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam liên tục nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.
Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ từng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD. Cũng trong năm này, ngành thủy sản lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu. Giới chuyên gia thủy sản nhận định, điều tương tự có thể tái diễn trong năm 2024. Với diện tích vùng nuôi, năng suất gần như được giữ ổn định nhiều năm qua, ngành tôm cần tính toán thị trường xuất khẩu để tối đa hóa giá trị.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ Ecuador, Ấn Độ. Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu cho chế biến trong nửa cuối năm 2024. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam đã đổi hướng thị trường trong những tháng cuối năm 2024.
Thị trường Mỹ tuy có sức tiêu thụ lớn nhưng tôm Việt gặp bất lợi trong cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuador và Ấn Độ và gần đây là giá cước vận tải tăng mạnh. Do vậy, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này và chuyển hướng sang các thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc,…
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta cho biết, khả năng đẩy mạnh năng lực chế biến tôm của hai quốc gia Ecuador và Ấn Độ hoàn toàn khác biệt với ngành tôm Việt Nam. Nguyên nhân chính là vì nguồn nguyên liệu tôm của hai quốc gia này quá lớn, cộng với làm mặt hàng chế biến mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi trình độ lao động trong sản phẩm nhiều hơn. Vì vậy, lựa chọn đánh vào phân khúc thị trường sản phẩm tôm chế biến sâu có thể trở thành lợi thế của tôm Việt Nam.
Ở phân khúc thị trường này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam tập trung vào mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định. Nếu các quốc gia Ecuador và Ấn Độ tập trung vào thị trường châu Âu thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hướng sản phẩm của mình vào thị trường châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tiêu Hà