(TSVN) – Dữ liệu mới từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho thấy trong tháng 2/2025, tổng cộng 92 lô hải sản nhập khẩu bị từ chối. Trong đó, 4 lô tôm (chiếm 4,2%) bị trả về do chứa kháng sinh cấm.
Ngoài ra, 26 lô tôm khác cũng bị từ chối nhập khẩu, nhưng không liên quan đến vấn đề kháng sinh. Số liệu này chấm dứt chuỗi hai tháng liên tiếp (tháng 12 và tháng 1) mà FDA không ghi nhận trường hợp nào tôm bị trả về do dư lượng thuốc thú y.
Bốn lô tôm bị từ chối nhập khẩu do dư lượng thuốc thú y vượt mức cho phép, xuất phát từ hai nhà chế biến đạt chứng nhận BAP bốn sao (Best Aquaculture Practices) tại Ấn Độ và Việt Nam: Công ty TNHH Nekkanti Mega Food Park (Ấn Độ) và Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận Cam Ranh (Việt Nam).
Ngày 20/2/2025, Cục Nhập khẩu bờ Tây từ chối một lô hàng của Công ty TNHH Nekkanti Mega Food Park do nhiễm nitrofuran và tồn dư thuốc thú y. Cùng ngày, Cục Nhập khẩu Tây Nam cũng bác bỏ một lô tôm khác vì lý do tương tự. Đến ngày 28/2/2025, Cục Nhập khẩu Đông Bắc tiếp tục từ chối một lô hàng sau khi phát hiện chloramphenicol.
Trước đó, vào ngày 27/12/2024, Công ty TNHH Nekkanti Mega Food Park đã bị đưa vào danh sách Cảnh báo Nhập khẩu 16-129 (“Tạm giữ không cần kiểm tra thực tế đối với sản phẩm thủy sản nhiễm nitrofuran”) do phát hiện 3-amino-2-oxazolidinone (AOZ). Đến ngày 10/2/2025, công ty này tiếp tục bị đưa vào danh sách Cảnh báo Nhập khẩu 16-127 (“Tạm giữ không cần kiểm tra thực tế đối với tất cả sản phẩm thủy sản nhiễm chloramphenicol”) sau khi phát hiện chloramphenicol.
Ngày 28/2/2025, Cục Nhập khẩu Đông Bắc Hoa Kỳ từ chối một lô hàng tôm của Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh do phát hiện dư lượng thuốc thú y. Hiện tại, doanh nghiệp này không nằm trong danh sách Cảnh báo Nhập khẩu 16-124 (“Tạm giữ mà không cần kiểm tra thực tế đối với sản phẩm thủy sản nuôi sử dụng thuốc chưa được phê duyệt”), 16-129 (“Tạm giữ mà không cần kiểm tra thực tế đối với thủy sản có chứa Nitrofurans”) hoặc 16-127 (“Tạm giữ mà không cần kiểm tra thực tế đối với tất cả sản phẩm thủy sản có chứa Chloramphenicol”).
Trong tháng 2, FDA cũng đã bổ sung Asvini Fisheries, một nhà xuất khẩu tôm Ấn Độ, vào danh sách Cảnh báo Nhập khẩu 16-124 sau khi phát hiện dư lượng Crystal Violet – một loại thuốc diệt nấm bị cấm – trong lô hàng của công ty này.
Ngoài ra, FDA từ chối lô hàng tôm của ba doanh nghiệp Ấn Độ, gồm Matara Aquaculture West Bengal Private Limited, Srikanth International Private Limited và NK Marine Exports LLP, do nhiễm khuẩn salmonella. Cùng thời điểm, cơ quan này cũng báo cáo việc từ chối chín lô tôm từ công ty xuất khẩu Indonesia PT. Mustika Minanusa Aurora vì lý do nhiễm bẩn hoặc nhiễm khuẩn salmonella.
Cuối cùng, Mega Marine Pride, một nhà sản xuất tôm Indonesia, bị FDA từ chối 14 lô hàng do nhãn mác không đầy đủ về sự hiện diện của chất bảo quản sulfite.
Vũ Đức
Theo Seafoodnews