Lễ hội chọi trâu mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển Đồ Sơn, và là một sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố Hải Phòng. Năm 2000, chọi trâu Đồ Sơn được Nhà nước công nhận là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước.
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Lễ hội chọi trâu có từ bao giờ và bắt đầu từ đâu đến nay chưa được chứng thực, dấu mốc của nó chỉ là những truyền thuyết và mỗi truyền thuyết lại mang một sự tích kỳ bí. Hội chọi trâu là mỹ tục hào hùng mang đậm tính thượng võ, táo bạo và lòng quả cảm của người Đồ Sơn. Để chuẩn bị cho ngày hội, họ phải mất hàng năm sắp xếp mọi việc, trong đó, tìm và nuôi dưỡng trâu chọi là quan trọng nhất.
Thông thường sau Tết Nguyên đán, các sới chọi cử người có nhiều kinh nghiệm tìm mua trâu. Để có được con trâu vừa ý, có khi họ phải lặn lội hàng tháng trời tại nhiều tỉnh, thành. Trâu phải là những con đực khỏe mạnh, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày), ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng có khả năng chịu được đòn của đối phương là trâu gan. Háng trâu rộng, thu nhỏ về phía hậu. Sừng đen như mun, đầu sừng vểnh lên như hai cánh cung. Mắt đen, tròng đỏ…
Việc chọn mua trâu đã khó, chăm sóc và huấn luyện trâu càng khó gấp bội. Trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, kín đáo và tách biệt với trâu nhà để khôi phục bản năng hoang dã, đơn độc của nó. Nơi huấn luyện trâu là những bãi đất rộng, có nhiều người đứng gõ chiêng trống và hò hét. Khi huấn luyện, người ta phủ cờ đỏ lên đầu trâu, mình trâu để trâu quen dần với không khí ngày hội. Người huấn luyện dạy cho trâu những miếng đánh, đòn hiểm và độc đáo. Sau khi huấn luyện, con nào được chọn để chọi sẽ được tôn kính là “ông trâu”.
Đúng ngày hội, sau khi thực hiện xong phần lễ, người ta đưa trâu ra “trường đấu”. Từ hai phía sới chọi, “ông trâu” được dẫn ra có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng rút sẹo cho trâu rồi thoát ra ngoài. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, sừng đập vào nhau chan chát… trong tiếng hò hét cổ vũ của rất đông khán giả xung quanh.
Kết thúc hội chọi là cuộc rước trâu nhất về đình làm lễ tế thần. Trâu nhất hàng tổng được phần thưởng là một lá cờ vóc hồng thêu hai chữ “Thượng Đẳng” bằng kim tuyến, một bát hương bằng đá xanh đem theo đám rước.
Theo quan niệm, nếu trâu làng nào thắng trận, năm đó cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, các chuyến biển đều thuận. Và các trâu tham gia chọi, dù thắng hay thua đều phải giết thịt, họ lấy một bát tiết cùng một ít lông (mao huyết) để cúng tiễn thần… Người dân nơi đây cũng tin rằng, nếu ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ có nhiều may mắn.