T2, 06/07/2020 10:32

Nuôi thát lát cườm trong vèo lưới

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi cá thát lát cườm (Chitala chitala) đang phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tỉnh Hậu Giang. Trong đó, nuôi cá thát lát cườm trong vèo lưới là một mô hình nuôi mới, ít tốn diện tích, chi phí thấp nên rất thích hợp với hộ nghèo.

Chuẩn bị vèo lưới

– Vị trí đặt vèo lưới cần có độ sâu mực nước tối thiểu 1,2m. Diện tích vèo lưới 3m x 4m x 2m (chiều cao) hoặc lớn hơn, tùy điều kiện thực tế, độ sâu mực nước 1 – 1,2m. Bên ngoài làm khung bằng tre, gỗ; phía trên có lưới cước đậy để che mát và phòng cá thoát ra ngoài. Không nên đặt cây tre, gỗ hoặc vật sắt nhọn vào trong vèo lưới để tránh làm rách lưới.

– Chuẩn bị vèo lưới trước khi thả cá giống ít nhất 3 ngày, để lưới đóng rong tránh xây xát cá và giảm mùi của lưới mới gây độc cho cá. Nên làm rào xung quanh vèo lưới để phòng tránh cây hoặc phương tiện giao thông thủy làm hỏng lưới.

– Thiết kế 1 – 2 sàng cho ăn đặt trong vèo để kiểm soát được lượng thức ăn.

 

Nuôi cá thát lát cườm trong vèo lưới tốn ít diện tích, cho hiệu quả cao – Ảnh: Thanh Ngân

Chọn và thả cá giống

Cá thát lát cườm đã được sản xuất giống rất thành công; do đó, tốt nhất nên chọn cá được sản xuất giống nhân tạo để nuôi thương phẩm, sẽ đảm bảo chất lượng và mức độ đồng đều hơn cá tự nhiên.

– Kích thước cá giống: 6 – 10cm chiều dài, màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị dị tật, không bị xây xát. Đặc biệt, cá phải sử dụng được thức ăn là cá tạp, ốc hoặc thức ăn viên; không nên mua cá chỉ ăn được thức ăn là trùn, vì khi mang về nuôi sẽ rất khó cho ăn được các loại thức ăn khác nếu không có trùn.

– Vận chuyển cá lúc trời mát để tránh cá bị sốc. Cá giống cần được tắm trong dung dịch nước muối 2 – 3% (20 – 30 gam muối/lít nước) trong 15 – 30 phút để diệt mầm bệnh, sát trùng vết thương trong lúc vận chuyển; loại bỏ những cá yếu (nổi đầu, bơi lờ đờ, xây xát) để tránh lây bệnh cho cá khỏe làm tăng tỷ lệ hao hụt.

– Mật độ thả cá khoảng 50 con/m2, không nên nuôi quá dày.

 

Cho cá ăn

Cá thát lát cườm là loài ăn thiên về động vật; thức ăn tốt nhất là cá tạp và trùn quế, nhưng trong quá trình nuôi cá có thể sử dụng được thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, việc cho cá ăn thức ăn công nghiệp hoàn toàn sẽ không đạt hiệu quả cao.

– Cho cá ăn sau khi thả 12 giờ với lượng thức ăn 4% khối lượng thân/ngày (40 gam thức ăn/1kg cá). Không nên cho cá ăn ngay sau khi thả và hơn 4% khối lượng thân/ngày, vì cá sẽ dễ bị sình bụng dẫn đến hao hụt. Sau khi thả cá 5 ngày, cho cá ăn theo nhu cầu 5 – 10% khối lượng thân/ngày. Kiểm tra nhu cầu ăn bằng cách: sau khi cho ăn 1 giờ, nếu trong sàng ăn còn thức ăn thì giảm lượng thức ăn, nếu sau 30 phút đã hết thức ăn thì nên tăng thêm lượng thức ăn.

– Thức ăn thích hợp nhất cho cá trong 1,5 – 2 tháng đầu là cá tạp được xay nhuyễn trộn men tiêu hóa, vitamin, khoáng và bột gòn (làm chất kết dính) với tỷ lệ 5 – 10 gam/1kg thức ăn. Thức ăn được chuẩn bị nên cho cá ăn hết trong ngày, không để dư qua ngày sau. Không nên cho cá ăn ốc bươu vàng và thức ăn công nghiệp trong lúc này, vì sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của cá trong cả quá trình nuôi.

– Sau khi nuôi được 1,5 – 2 tháng, có thể cho cá ăn ốc bươu vàng và thức ăn công nghiệp (nếu cần). Tỷ lệ phối trộn giữa cá tạp với các loại thức ăn này là 1:1 để đảm bảo cho sự tăng trưởng của cá (cho ăn theo công thức này cá chỉ tăng trưởng bằng 85 – 90% so với cá tạp). Trong trường hợp muốn sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp, để cá có thể sử dụng tốt thức ăn công nghiệp thì nên ngâm viên thức ăn trong nước cho nở ra, trộn với 10 – 20% cá tạp để kích thích cá bắt mồi, sau đó vắt lại thành viên. Nếu sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp và ốc bươu vàng thì tốc độ tăng trưởng của cá chỉ bằng 60 – 70%  so với sử dụng cá tạp.

– Cá thát lát cườm ăn mạnh vào ban đêm, nên vào buổi sáng cho cá ăn 40% lượng thức ăn trong ngày vào buổi chiều tối cho cá ăn 60% lượng thức ăn còn lại sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

 

Quản lý cá nuôi

– Sau khi nuôi được 3 – 4 tháng, nên tách cá lớn và cá nhỏ ra nuôi riêng, để tránh cá lớn cạnh tranh mồi với cá nhỏ.

– Thường xuyên kiểm tra vèo lưới để tránh cá thất thoát.

– Trong quá trình nuôi, cá thát lát cườm ít bị bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất ở cá thát lát cườm là xuất huyết (còn gọi là bệnh đỏ lườn) xuất hiện nhiều trong 2 tháng nuôi đầu. Có thể sử dụng một số loại thuốc kháng sinh phổ rộng như Oxytetracyline với liều lượng 3 – 5 g/kg thức ăn, cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày. Tuyệt đối không sử dụng thuốc dành cho người và thuốc trong danh mục cấm sử dụng.

– Trường hợp cá bệnh, cần xử lý nước thì dùng tấm bạt bao quanh vèo lưới; sau đó sử dụng thuốc xử lý nước, ngâm cá trong 12 – 24 giờ.

– Sau 10 – 12 tháng nuôi, có thể thu hoạch cá với khối lượng trung bình 800 gam/con. Hệ số thức ăn đối với cá tạp trung bình 4 – 5 (4 – 5kg thức ăn/1kg tăng trọng).

KS. Trịnh Thanh Nhân

>> “Kỹ thuật nuôi cá rô phi vằn”

Cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) được nuôi ở nước ta gồm 4 dòng: Việt, Thái Lan, Ai Cập, và GIFT. Những dòng này trải qua quá trình chọn giống nên có sức tăng trưởng, kháng bệnh tốt. “Kỹ thuật nuôi cá rô phi vằn” của hai tác giả Phạm Văn Trang và Nguyễn Trung Thành sẽ mang đến cho người đọc những thông tin về đặc điểm sinh học, môi trường sống của cá rô phi vằn, kỹ thuật chuẩn bị ao ương nuôi, kỹ thuật cho cá đẻ, chuyển giới tính cá và các hình thức nuôi thương phẩm. Đồng thời, cung cấp cho người nuôi kiến thức để nuôi ghép với các đối tượng khác, cách trú đông và phòng trị bệnh cho cá rô phi vằn.

Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành

Tuấn Tú

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!