THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

T2, 06/07/2020 09:47

Xu hướng 3 thị trường chính

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản Việt Nam) – Ngày 2/11, tại Thành phố Hải Phòng, Dự án EU – Việt Nam MUTRAP III đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường châu Âu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam”. Qua Hội thảo, đã mở ra xu hướng 3 thị trường chính cho thủy sản Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015.

Thị trường EU khó tính

Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đồng thời cũng là thị trường quan trọng nhất đối với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Các nước nằm trong EU không chỉ thuộc diện giàu nhất thế giới mà còn chiếm khoảng 45% tổng nhập khẩu thủy sản toàn cầu.

Tôm – một trong những mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam sang các thị trường    Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ngay cả khi thương mại giữa các nước thành viên bị chặn thì EU vẫn là thị trường lớn nhất với 27% tổng nhập khẩu thủy sản, trị giá gần 16 tỉ EUR. Theo báo cáo của Ngân hàng Glitnir, về ngành thủy sản,  EU sẽ nhanh chóng trở thành thị trường thủy sản lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ bình quân hàng năm đạt xấp xỉ 26,5kg/người. Năm 2009, giá trị xuất khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam sang EU đạt 1,1 tỉ USD. Trong top 10 thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam, khối EU có 4 quốc gia đó là Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia. Các thị trường nhập khẩu lớn khác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Australia và Đài Loan. EU hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU hiện nay khá ổn định và lớn thứ 2 trên thế giới (465.000 – 475.000 tấn/năm). Về xuất khẩu tôm sang thị trường này, với 21.000 – 25.000 tấn, Việt Nam đang giữ vị trí thứ 8 sau các nhà cung cấp như Ecuador, Ấn Độ, Greenland, Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh và Arghentina. Tuy nhiên, Thái Lan đang tăng trưởng rất mạnh trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt tính đến tháng 7/2010, tăng gần 88% so với 2009. EU thực sự là một thị trường rộng lớn, đa dạng, có nhiều triển vọng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là một thị trường hết sức khắt khe. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường EU nên có biện pháp đảm bảo chất lượng hàng hóa để tránh các sự cố xảy ra nhằm giữ vững hình ảnh và thị phần của mình trên thị trường này.

 

Thị trường Nhật tiềm năng

Dù có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây, nhưng Nhật vẫn là thị trường có thể phát triển hơn nữa cho hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ông Vũ Thanh Hà, chuyên viên Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết, Nhật Bản là một trong những nước tiêu thụ thủy hải sản lớn nhất thế giới, với trung bình khoảng 70,6 kg/người/năm, so với mức trung bình thế giới là 15,9 kg/người. Gần 10 năm qua, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2009, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản chiếm 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, đạt 757.92 triệu tấn. Năm 2010, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (sau EU) với kim ngạch xuất khẩu đạt 549 triệu USD (tăng 18,9%) trong 8 tháng đầu năm 2010. Ba năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản nói chung và mặt hàng tôm nói riêng của Nhật Bản có xu hướng ổn định và dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong 2 – 3 năm tới. Việt Nam cần tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, giám sát an toàn đối với các mặt hàng thủy hải sản khi xuất khẩu sang nước này để tránh các tổn thất đáng tiếc, chẳng hạn như vụ Trifluralin vừa xảy ra và để “giữ vững” vị trí số 1 trong năm 2011 về xuất khẩu tôm như hiện nay trước sự cạnh tranh quyết liệt từ hai nhà cung cấp lớn thứ 2 và thứ 3 là Thái Lan và Indonesia.

               

Các thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong Quý 1/2010               Nguồn: VASEP

Thị trường Mỹ nhiều rào cản

Mặc dù năm 2008 – 2009 đồng USD giảm, sức tiêu thụ giảm và không ổn định nhưng đã tăng trở lại vào năm 2010, lượng tiêu thụ tăng tới 24kg/người/năm. Đặc biệt, thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico hồi cuối tháng 4/2010 đã khiến thị trường Mỹ thiếu hụt một lượng cung lớn thủy sản khai thác từ vùng biển này và tất nhiên thủy sản nhập khẩu sẽ là nguồn thay thế. Điều này cũng tác động đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ đạt gần 339 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, lượng xuất khẩu tôm các loại đạt 15 nghìn tấn, trị giá là 153,6 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và tăng 3,2% về giá trị. Theo dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2010, xuất khẩu tôm nói riêng và thủy hải sản sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung từ Vịnh Mexico vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau vụ tràn dầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thủy sản nước ta cũng phải đối mặt với nhiều thử thách và rào cản khi xuất khẩu sang thị trường nước này. Điển hình là vụ kiện tôm vào tháng 3/2010 và mới đây nhất Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa đưa ra mức thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ lên đến hơn 100%. Chính vì thế, các nhà xuất khẩu Việt Nam một mặt cần đảm bảo vấn đề về an toàn trong các mặt hàng xuất khẩu, mặt khác cũng cần có những hành động kiên quyết để “băng qua” những rào cản từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một trong số thị trường hàng đầu mà ngành thủy hải sản của Việt Nam cần quan tâm.

>> Trong 6 tháng đầu năm 2010, thị trường tiêu thụ hàng thủy sản số một của Việt Nam vẫn là EU, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 18%, và Mỹ đứng thứ 3 với 17,1%.

Trung Đông

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!