(TSVN) – Sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023. Tính đến 15/10/2024, xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023.
Trong khuôn khổ Ngày hội Cá tra Đồng Tháp – năm 2024, ngày 17/11, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025”.
Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, cá tra được xem là sản phẩm chủ lực của Việt Nam nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng luôn được quan tâm đầu tư và phát triển. Thời gian qua, người dân ĐBSCL đã phát triển nghề nuôi cá tra lên một tầm vóc mới với việc hình thành những trang trại, nhiều vùng nuôi chuyên nghiệp được ứng dụng khoa học, kỹ thuật.
Trong năm 2024, tình hình nuôi cá tra tại Đồng Tháp tương đối ổn định, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra tiếp tục tăng, ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm – thủy sản của tỉnh Đồng Tháp. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630ha, với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo phát triển ngành hàng cá tra trong năm 2025
Tình hình tiêu thụ cá tra tại Đồng Tháp tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 – 0,8 kg/con) dao động từ 26.400 – 27.600 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất giảm (do giá thức ăn giảm) nên người nuôi có lợi nhuận. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 902 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 52 cơ sở sản xuất giống và 850 cơ sở ương dưỡng. Ước cả năm 2024, sản xuất được 17 tỷ cá tra bột và 1,3 tỷ cá tra giống.
Ông Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh, ngành hàng cá tra tỉnh Đồng tháp cũng không nằm ngoài những khó khăn chung của cả nước, từ tình hình biến đổi khí hậu, các thách thức thị trường, cho đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Song, bằng sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng và những sáng kiến đổi mới từ các doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh đã giúp đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2024 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như giá một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt là xung đột chính trị khiến cho chi phí logistics tăng, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý và hiệp hội, ngành cá tra Việt Nam đạt kết quả đáng mừng cả về chất lượng và giá trị.
Thu hoạch cá tra tại ĐBSCL
Sản lượng cá tra năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023. Tính đến 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, theo Cục Thủy sản, mức độ tăng trưởng này chưa đồng đều mà nguyên nhân cơ bản là do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.
Theo kế hoạch, Việt Nam đề ra mục tiêu nâng cao giá trị trong năm 2025, phấn đấu đạt sản lượng 1,65 triệu tấn, nhưng hướng tới kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD. Trong bối cảnh đời sống sản xuất, kinh tế, môi trường đang có nhiều biến động, đây là mục tiêu đòi hỏi nhiều nỗ lực lớn của toàn ngành và nhiều cơ quan chức năng.
Tại hội nghị, bên cạnh những cơ hội của ngành hàng cá tra trong thời gian tới, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức cho ngành hàng như: Sự cạnh tranh các loài thủy sản khác; giá xuất khẩu cá tra Việt Nam so với các nước khác, tác động của biến đổi khí hậu, các quy định về giảm phát thải trong nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra. Các rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu về sản phẩm cá tra.
Tính đến 15/10/2024, xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023
Ngoài ra, chuyên gia cũng giới thiệu, cung cấp cho đại biểu các thông tin về xu hướng, tiềm năng của thị trường Halal và các yêu cầu để sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Từ đó, các chuyên gia, đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển ngành hàng cá tra như: Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nuôi để đảm bảo cung – cầu của thị trường. Các thủ tục trong thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản cần kịp thời hơn. Hỗ trợ tháo gỡ các rào cản quốc tế trong xuất khẩu cá tra, quản lý điều kiện sản xuất đối với cơ sở giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường. Hình thành các vùng nuôi cá tra bền vững, ứng dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý và sản xuất cá tra giống, thương phẩm.
Để ngành hàng cá tra phát triển và tận dụng được cơ hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học, kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng. Bên cạnh đó cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống, sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải.
Tư đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra và hình thành chuối khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Về xuất khẩu cá tra, ngoài các thị trường truyền thống cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng xuất khẩu cá tra, trong đó có thị trường Hồi giáo đáp ứng được yêu cầu chứng nhận Halal.
Ngọc Trinh