(TSVN) – Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tháng 3 năm 2025, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt 5,77 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này đạt trên 15,36 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tháng 3/2025, giá trị nhập khẩu, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản trên 3,83 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 3 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu ngành hàng nông nghiệp tăng 10,5% so với 3 tháng đầu năm 2024, với tổng gá trị 11,063 tỷ USD.
Như vậy, giá trị thặng dư thương mại tháng 3/2025 đạt 1,938 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt 4,296 tỷ USD, tăng 10,5%.
Về cơ cấu thị trường, trong 3 tháng đầu năm, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 20% và 17% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi cơ cấu của thị trường Mỹ ổn định thì cơ cấu thị trường Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2024.
Giá cá tra đang ở mức cao mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi. Ảnh: ST
Về thị trường, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2024, với mức tăng lần lượt là 37,9%, 23,1%, 11,1%, 10,9% và 1,2%; riêng thị trường ASEAN ghi nhận mức giảm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Riêng thủy sản, 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 2,24 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc, Nhật Bàn, Mỹ là 3 thị trường có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam.
Trong các mặt hàng xuất khẩu, tôm và cá tra vẫn chiếm chủ đạo. Hai tháng đầu năm, cơ cấu xuất khẩu tôm chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, cá da trơn chiếm 17%, cá ngừ 8%…
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản. Một là Đạo luật MMPA của Mỹ yêu cầu các quốc gia xuất khẩu hải sản phải chứng minh quy trình đánh bắt không gây hại đến động vật biển và đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý tương đương với Mỹ. Mới đây, Mỹ cũng đã thông báo không công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn tương đương, làm gia tăng nguy cơ cấm nhập khẩu nhiều loài hải sản từ ngày 1/1/2026 nếu Việt Nam không có động thái điều chỉnh kịp thời.
Thứ hai, Hiệp định CEPA (Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ả rập) mở ra dư địa mới cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm tôm và cá chế biến, có giá trị gia tăng cao tại thị trường Trung Đông.
Thứ ba, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng mạnh bởi nguồn cung nội địa giảm và nhu cầu tiêu dùng tăng tại các thành phố lớn, đặc biệt với tôm hùm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo chậm lại, cùng với áp lực tồn kho do thuế quan từ Mỹ có thể tạo ra thách thức cho thủy sản Việt Nam trong năm 2025.
Nhận định về tình hình xuất khẩu các tháng đầu năm, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giá thấp kéo dài trong năm 2023 – 2024. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 575,1 triệu USD, tăng trưởng 39,7% so với cùng kỳ 2024. Năm 2025, triển vọng cho ngành tôm khá lạc quan.
Với cá tra, hiện giá cá tra thương phẩm ở mức cao nhất trong 3 năm (32.000 – 33.000 đồng/kg cho cá trên 1 kg/con), mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi (2.000 – 3.500 đồng/kg). Tuy nhiên, theo VASEP, thị trường cá tra vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ sự bất ổn với chính sách thuế quan và nhu cầu ảm đạm, tồn kho lớn tại Mỹ. Người nuôi cá tra cần thận trọng tránh mở rộng sản xuất tự phát, bởi giá cả hiện tại dễ lao dốc nếu cung vượt cầu.
Bảo Hân