(TSVN) – Siêu bão Manyi đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 9 trong năm nay. Trước diễn biến phức tạp của bão, Bộ NN&PTNT cùng nhiều địa phương ven biển đã chủ động lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó.
Cụ thể, ngày 17/11, Bộ NN&PTNT ban hành Công điện số 8712/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão số 9. Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền.
Hàng trăm tàu cá neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ, Phước Đồng, TP Nha Trang. Ảnh: H.Đ
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ngày 17/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá (PCTT – TKCN và PTDS) ban hành Công điện số 39 về chủ động ứng phó với bão Manyi, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.
Tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Vị trí, hướng di chuyển của bão Manyi lúc 8h sáng 18/11. Ảnh: ST.
Trong Công điện số 13 gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã ven biển, các sở, ngành, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An đề nghị các đơn vị thực hiện Công diện số 8712/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 17/11/2024 của Bộ NN&PTNT về việc ứng phó với bão Manyi gần biển Đông; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền.
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, trên địa bàn Khánh Hòa hiện có 3.424 bè, 33.490 lồng nuôi trồng thủy sản với 4.158 lao động trên các lồng bè; 3.423 phương tiện, 22.521 ngư dân.
Thời điểm sáng 18/11, có 405 phương tiện, 2.348 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, khu vực Trường Sa: 63 phương tiện, 626 lao động; khu vực ven biển Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận: 327 phương tiện, 1.565 lao động; khu vực phía Nam: 15 phương tiện, 157 lao động; không có phương tiện nào hoạt động ở khu vực Hoàng Sa và không có phương tiện nào đang ở khu vực nguy hiểm do bão số 9 gây ra. Các phương tiện đang hoạt động trên các vùng biển, các hộ nuôi trồng thủy sản đã nắm được thông tin về cơn bão số 9 và có kế hoạch chủ động phòng tránh.
Dự báo diễn biến của bão trong 24 – 72 giờ tới. Ảnh: TTKTTVTU.
Nhằm chủ động ứng phó bão số 9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã duy trì tổng số 19 tàu/180 cán bộ chiến sĩ, 9 ô tô, 80 phương tiện cá nhân tham gia thường trực, cơ động phòng, chống bão (khi bão diễn biến phức tạp hoặc gần bờ…). Chỉ đạo các đơn vị thống kê, kiểm đếm số người, tàu cá đang đánh bắt trên các vùng biển, đặc biệt vùng nguy hiểm; các đài canh duy trì trực 24/24 giờ, thông báo tin về cơn bão để các chủ tàu cá biết và chủ động phòng, tránh, trú an toàn.
Trước đó, chiều 17/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã Khánh Hòa có công điện tới các sở ngành, đơn vị, địa phương về việc chủ động ứng phó bão Manyi, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi.
Chiều tối 17/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Bình Thuận đã có thông báo và đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ngành, địa phương ven biển trong tỉnh chủ động ứng phó với cơn bão Manyi gần biển Đông.
Nội dung công văn đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận và Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền.
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến cảng, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự.
Như thông tin chúng tôi đã đưa, sáng 18/11, siêu bão Manyi di chuyển vào Biển Đông, trở thành bão số 9 ảnh hưởng đến nước ta trong mùa bão lũ năm nay. Đáng chú ý, thời điểm bão Manyi di chuyển vào Biển Đông cũng là lúc Biển Đông chịu tác động của một đợt không khí lạnh mạnh, tương tác của không khí lạnh và bão sẽ làm cho cường độ và hướng di chuyển của bão Manyi có nhiều thay đổi.
Không chỉ vậy, tương tác của không khí lạnh và bão Manyi sẽ làm cho thời tiết của khu vực Biển Đông trong những ngày tới sẽ rất xấu, gió mạnh, sóng cao và biển động và diễn biến của cơn bão Manyi này còn nhiều thay đổi, cần theo dõi sát.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)