Singapore: Đột phá công nghệ nuôi cá chình mun khép kín vòng đời

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Công ty Japfa Group đã tiến hành sinh sản nhân tạo thành công giống cá chình mun (Anguilla bicolor), giảm phụ thuộc vào tự nhiên và góp phần bảo tồn nguồn lợi tự nhiên đang đứng trước nguy cơ đe dọa.

Tại các thị trường châu Á, cá chình mun (Anguilla bicolor) hút khách nhờ hương vị đậm đà và hàm lượng dinh dưỡng phong phú. Tuy nhiên, hoạt động nuôi khép kín loài này đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do vòng đời phức tạp và bí ẩn. Thay vào đó, các trang trại phụ thuộc vào đánh bắt cá non trong tự nhiên, còn gọi là cá chình thủy tinh, và nuôi vỗ đến kích cỡ thương phẩm. Tuy nhiên, phương pháp này thiếu bền vững vì nguồn cá tự nhiên đang bị đe dọa bởi tình trạng đánh bắt quá mức.

Vào tháng 9/2024, thành viên của Japfa Group, công ty PT Suri Tani Pemuka (STP), đơn vị điều hành hoạt động nuôi trồng thủy sản của Japfa, cùng Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (ARC) tại Đông Java, Indonesia, đã tuyên bố thành công bước đầu trong sinh sản cá chình nhiệt đới ở điều kiện nuôi nhốt. Điều này nhấn mạnh cam kết của Japfa về nuôi trồng thủy sản đổi mới và bền vững, theo ông Ardi Budiono – Giám đốc điều hành STP, Bộ phận Nuôi trồng Thủy sản của Japfa. “Chúng tôi sử dụng giống và phương pháp nuôi phù hợp theo quy trình khép kín từ thức ăn đến chăn nuôi để đảm bảo sản xuất hiệu quả và bền vững. Cá chình mun là một lựa chọn thay thế khả thi cho cá chình Nhật Bản (Anguilla japonica) nhờ hương vị và kết cấu tương tự. Hiện tại, thị trường tiêu thụ cá chình mun còn hạn chế, nhưng loài này sẽ trở thành lựa chọn quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt khi nhận thức về nguồn cung bền vững ngày càng tăng tại châu Á”, Budiono chia sẻ.

Vì cá chình di chuyển hàng nghìn km từ các con sông nước ngọt đến đại dương sâu, việc tái tạo điều kiện sinh sản giống môi trường tự nhiên gặp nhiều khó khăn, theo Budiono. Quá trình sinh sản của chúng rất phức tạp và bí ẩn, trong khi kiến thức về các yếu tố sinh lý và sinh học của cá chình, đặc biệt là hành vi sinh sản trong môi trường tự nhiên, còn thiếu hụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, ARC đã phát triển kỹ thuật nuôi dưỡng tiên tiến và ấp nở thành công 70.000 ấu trùng, duy trì quá trình nuôi ấu trùng trong 11 ngày. Họ cũng tiến hành một loạt thử nghiệm để hoàn thiện các thông số như chất lượng nước, nhiệt độ, chế độ ăn và điều kiện môi trường, đảm bảo mô phỏng gần nhất môi trường tự nhiên của loài.

Budiono cho biết, cá chình mun nhiệt đới hiện đang được xếp vào diện “có nguy cơ tuyệt chủng” trong danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Việc giảm phụ thuộc của các trang trại vào nguồn cá hoang dã là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quần thể tự nhiên, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với protein động vật bền vững, chất lượng cao. Đây cũng là đóng góp thực tế trong việc phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản và bảo vệ các loài cá chình khác khỏi các mối đe dọa như đánh bắt quá mức.

Một trong những khó khăn lớn hiện nay là thiếu hiểu biết toàn diện về sinh học sinh sản và quá trình sinh sản của cá chình mun nhiệt đới. Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng, thử nghiệm và cải tiến các yếu tố chính trong quá trình sinh sản như phương pháp xử lý hiệu quả, chế độ ăn và điều kiện sống. Trong tương lai, ARC sẽ tiếp tục hoàn thiện phương pháp và tiến hành thêm thử nghiệm để nâng cao hiệu quả kỹ thuật nhân giống, tiến tới mở rộng quy mô sản xuất thương mại. 

Tuấn Minh

Theo Advocate 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!