(TSVN) – Năm 2023, cả nước nhập khẩu khoảng 167.000 TTCT bố mẹ, trên 1.000 tôm sú bố mẹ. Việc không thể chủ động nguồn tôm bố mẹ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, vấn đề gia hóa tôm bố mẹ được nhà nước quan tâm hàng đầu.
Gia hóa (domestication) vật nuôi được hiểu là một quá trình thuần hóa, làm thay đổi mức độ di truyền tính trạng vật nuôi, qua quá trình chọn lọc tạo ra những tính trạng tốt nhất phục vụ con người. Tôm là một trong những đối tượng thủy sản được gia hóa nhằm tăng sản lượng và kháng bệnh tốt hơn.
Khác với tôm sú, con giống được sản xuất từ những con bố mẹ đánh bắt ngoài tự nhiên, TTCT được sản xuất từ những tôm bố mẹ “nhân tạo”. Điều này có nghĩa là TTCT bố mẹ được tuyển chọn từ tự nhiên ở nhiều vùng khác nhau, nuôi gia hóa qua nhiều thế hệ trong những điều kiện nghiêm ngặt để tạo ra những dòng tôm bố mẹ sạch bệnh và có những đặc điểm di truyền nổi bật. Tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF), kháng bệnh (SPR) là sản phẩm của một quá trình gia hóa.
Trên thế giới, thành công trong việc gia hóa TTCT Thái Bình Dương tại Mỹ là bước ngoặt của nuôi trồng thủy sản đầu những năm 1990. Sự phát triển dòng TTCT sạch bệnh tại Mỹ dẫn đến việc áp dụng nhanh chóng loại tôm này từ Western Hemisphere đến châu Á. Tôm gia hóa giúp tăng sản lượng và kích hoạt xu hướng giá tôm thấp hơn.
Tuy nhiên đến năm 1996, hội chứng Taura (TSV) đã đi qua khu vực Trung Mỹ và gây thiệt hại cho bang Texas khiến ngành công nghiệp sản xuất tôm sụt giảm 50%. Khi dịch bệnh tàn phá, người nuôi tôm yêu cầu các nhà nghiên cứu phát triển loài tôm kháng virus này.Trong khi nhiều nhà khoa học hoài nghi rằng dòng tôm kháng virus có thể đạt được trong quá trình chọn lọc giống, một số nhóm đã bắt đầu chương trình nghiên cứu để làm việc đó.
High Health Aquaculture, Inc (HHA) đã nghiên cứu thực hiện chương trình chọn giống tăng trưởng nhanh, kháng virus cho TTCT vào năm 1997. Đã có nhiều thế hệ được chọn lọc thành công. Những dòng tôm SPF này được sử dụng tại Thái Lan và Indonesia.
Sự gia hóa và chọn giống TTCT đã cải thiện đáng kể về kinh tế và độ tin cậy của nghề nuôi tôm. Chính điều này đã khiến châu Á chuyển hướng sang nuôi TTCT dựa trên lợi nhuận từ nuôi TTCT cao hơn nhiều lần so với tôm sú. Chọn giống tôm tăng trưởng nhanh dựa trên các dòng SPF ở TTCT đã thành công trong việc cải thiện tỷ lệ sống, giảm FCR và rút ngắn chu kỳ nuôi thương phẩm, từ đó giảm nhu cầu năng lượng và chi phí sản xuất chung. Thời gian nuôi tôm về cỡ 5 g có thể giảm 44% xuống (128 – 74 ngày), tỷ lệ sống trên 85%, giảm 20% FCR (1,6 – 1,3) và năng suất đạt 44 tấn/ha/năm qua sáu thế hệ là có thể đối với TTCT ở Thái Lan
Bài học từ các nước trên thế giới cho thấy, việc chủ động gia hóa tôm bố mẹ đã quyết định đến chất lượng tôm giống và tỷ lệ thành công của nghề nuôi tôm. Điển hình như trường hợp của Ecuador và Thái Lan. Trước đây, Ecuador xuất khẩu tôm đứng thứ 5 thế giới, nhưng từ năm 2021 đã vươn lên đứng đầu thế giới sau khi gia hóa thành công và chủ động nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, vừa giảm giá thành nâng cao khả năng kháng bệnh, nâng cao tỷ lệ thành công lên tới 90% (VASEP, 2023). Thái Lan cũng quan tâm tới hoạt động gia hóa tôm bố mẹ từ rất sớm và đến nay đã trở thành nước chủ động về tôm bố mẹ và xuất khẩu tôm bố mẹ lớn nhất châu Á. Nhờ đó tỷ lệ nuôi tôm thành công của Thái Lan đạt 55% (có thời điểm đạt 80%) trong khi tỷ lệ này ở nước ta chỉ đạt khoảng 40% với TTCT và dưới 20% với tôm sú.
Tại Việt Nam, đến năm 2030, toàn ngành đảm bảo gia hóa được 100% tôm bố mẹ cho cả tôm sú và TTCT. Tuy nhiên đến thời điểm này hầu hết tôm bố mẹ vẫn được nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Đến nay mới chỉ có một số công ty, tập đoàn lớn có thể gia hóa được tôm bố mẹ nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.
Dưới sự hợp tác chiến lược với Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ quốc gia của Australia là Viện CSIRO, bắt đầu từ năm 2010, Tập đoàn Việt Úc là đơn vị tiên phong đã mạnh dạn đầu tư vào phân khúc tôm bố mẹ. Sau nhiều năm tiến hành di truyền và chọn giống dưới sự giám sát nghiêm ngặt từ các cơ quan Nhà nước có uy tín cũng như từ phía Viện CSIRO, Bộ NN&PTNT đã chính thức cho phép Việt Úc đưa TTCT bố mẹ vào thương mại hóa, đánh dấu bước đột phá mới cho cả ngành tôm Việt Nam
Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chủ động được nguồn TTCT bố mẹ. Với việc ứng dụng các phương pháp hiện đại di truyền số lượng, di truyền phân tử,… đã chọn tạo ra được giống TTCT bố mẹ qua 10 thế hệ có tốc độ tăng trưởng bình quân tốt hơn 60% so với thế hệ G0. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để có thể sản xuất nguồn tôm giống chất lượng không chỉ có sức đề kháng cao, mà còn thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương.
Thành tựu từ chương trình chọn giống tôm bố mẹ mang lại ý nghĩa lớn cho ngành tôm Việt Nam. Trong đó, đã góp phần giải quyết 1 vấn đề mà các bên từ nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và Nhà nước rất quan tâm, đó là truy xuất nguồn gốc. Việc này có ý nghĩa lớn, không chỉ giúp cho quy trình sản xuất được minh bạch, đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát chất lượng con giống trước khi xuất bán cho người nuôi. Qua đó, người nuôi sẽ an tâm hơn về chất lượng con giống, có thể biết được nguồn gốc xuất xứ từ đâu? Sử dụng thức ăn gì? Quá trình phát triển như thế nào?… Việc chủ động nguồn tôm bố mẹ giúp sản xuất ra nguồn giống có tỷ lệ sống cao, sức đề kháng cao và thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Nguyễn Hằng
(Tổng hợp)