Thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) có 401 phương tiện đánh bắt thủy sản (chiếm 70% tàu đánh bắt trên địa bàn huyện), hàng năm khai thác từ 16.000 – 18.000 tấn thủy sản các loại. Cùng với các loại hình chế biến khác thì nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động của thị trấn.
Là một trong những người làm nghề phơi cá khô đầu tiên ở thị trấn Vàm Láng, ông Lê Văn Thanh, khu phố chợ 2 cho biết, ông rất vui mừng khi nghề phơi cá khô trên địa bàn được công nhận là Làng nghề chế biến thủy sản. Đây là nghề truyền thống lâu đời của người dân làm nghề đánh bắt thủy sản.
Nghề phơi cá khô ở Vàm Láng.
Theo ông, nghề này tuy không khó nhưng phải chịu cực, đầu tiên gia đình mua sắm dụng cụ làm nghề như: vỉ phơi cá, máy sấy cá để sử dụng lúc mưa dầm hoặc trời không nắng. Nhân công có từ 10 – 20 người tùy theo lượng cá thu được trong ngày từ 100 kg đến 2 tấn/ngày, thường thì 3kg cá tươi phơi thành 1kg cá khô, giá cá khô dao động từ 25.000 – 50.0000 đồng/kg. Sau khi phơi khô xong, thương lái đến mua tại nhà hay đem đi bán ở các chợ trong huyện.
Cùng với gia đình ông Thanh, lúc đầu ở Vàm Láng có vài, ba hộ làm nghề và chỉ khoảng chục ký mỗi ngày. Sau này, nghề chuyên xẻ cá phơi khô phát triển mạnh và lan nhanh, giải quyết việc làm cho nhiều người dân nơi đây, nhất là chị em phụ nữ. Hiện Làng nghề có hơn 500 lao động hoạt động thường xuyên và hộ dân hoạt động nghề này chiếm 38% trong tổng số 1.338 hộ dân làm nghề chế biến thủy sản (quy mô vừa và nhỏ) ở thị trấn Vàm Láng.
Với nghề chế biến cá khô, thị trấn Vàm Láng mỗi năm tiêu thụ hơn 5.000 tấn cá các loại, trị giá trên 50 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường trên 1.500 tấn khô như: khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá đù… Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom để cung cấp cho các chủ vựa đưa đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Vĩnh Long, Long An…
Trước đây nghề này phát triển tự phát, chưa được sự quan tâm đầu tư cũng như các chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững. Tháng 8 – 2013, Làng nghề chế biến thủy sản Vàm Láng được công nhận, gia đình ông Lê Văn Thanh cùng đông đảo ngư dân làng nghề rất vui mừng và còn là niềm tự hào cho thị trấn có được làng nghề chế biến thủy sản đầu tiên trong tỉnh. Đây sẽ là cơ hội lớn, là động lực cho thị trấn phát triển. Giúp các cơ sở yên tâm phát triển sản xuất hiệu quả hơn và đưa ngành nghề phát triển theo hướng bền vững.
Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, để làng nghề phát triển bền vững, thị trấn Vàm Láng còn nhiều việc phải làm. Đảng ủy xã đã đề ra lộ trình, định hướng, mục tiêu cụ thể như: Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng lại mặt bằng sản xuất, nhà sơ chế, đầu tư hệ thống sân phơi; ứng dụng công nghệ vào sản xuất; trang bị máy móc trong các khâu chế biến, đóng gói để sản phẩm làm ra phải đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường; tuân thủ quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong làng nghề; quy hoạch lại không gian sản xuất gắn bảo vệ môi trường… Thị trấn cũng đưa ra nhiều giải pháp như: Nghiên cứu và mở rộng thị trường tiêu thụ và xúc tiến liên hệ làng nghề; đồng thời chú ý đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng bộ máy quản lý làng nghề dưới hình thức tổ hợp tác…