Cá tràu tiến vua và cá rô Tổng Trường là hai loài cá quý hiếm đặc hữu của Ninh Bình.
Chúng chỉ sống ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, huyện Hoa Lư với số lượng hạn chế. Nhưng hiện nay, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình đã thử nghiệm thành công việc nhân giống hai loài cá quý hiếm này, góp phần bảo tồn nguồn gen và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.
Cá tràu là loài cá thuộc họ cá quả có khá nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên cá tràu ở vùng núi đá vôi Hoa Lư, Ninh Bình được gắn thêm một mỹ danh là cá tràu tiến vua. Đặc điểm nổi bật của loài cá này là chúng không có vây bụng. Còn cá rô Tổng Trường thì khá giống với cá rô đồng song do sống lâu năm ở vùng đầm lầy, hang động nên có một số biến dị: Cá có màu xanh thắm, phần bụng có màu sáng lơn phần lưng với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Hai loại cá này được coi là đặc sản của ẩm thực Ninh Bình với giá bán rất cao, khoảng 300 nghìn đồng/kg cá tràu tiến vua. Nhưng do số lượng các loại cá này ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, việc nuôi nhân tạo gặp nhiều khó khăn nên nguồn cung rất hạn chế.
Cá tràu tiến vua đã được nhân giống thành công
Trước thực trạng khan hiếm về cả nguồn giống lẫn nguồn cá thương phẩm cung cấp cho thị trường, thời gian qua, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm Tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ thủy sản, thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thực hiện thành công dự án “Thử nghiệm sản xuất giống cá tràu tiến vua và cá rô Tổng Trường”. Kết quả sau gần 1 năm thực hiện, Trung tâm đã cho sinh sản nhân tạo thành công trên 105 con cá tràu tiến vua mẹ với tổng số cá bột đưa vào ương là gần 12 nghìn con, số cá hương thu được là hơn 2 nghìn con và lựa chọn được 600 con cá giống. Đối với cá rô Tổng Trường, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cùng với chuyên gia đã tiến hành cho đàn cá sinh sản 3 đợt, tổng số thu được 402 vạn con cá bột.
Để đạt được kết quả như vậy, thời gian qua các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã rất công phu từ khâu nuôi vỗ cá bố mẹ cho đến khâu sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá con. Ngay khi tiếp nhận đàn cá bố, việc tạo ra môi trường sống gần giống với tự nhiên nhất được đặt lên hàng đầu. Các yếu tố môi trường như độ trong, nhiệt độ, pH, oxy được kiểm tra và điều chỉnh cho phù hợp, nguồn nước luôn được thay mới, tạo môi trường sạch sẽ, không ô nhiễm. Cùng với môi trường sống, các cán bộ của Trung tâm còn nghiên cứu các loại thức ăn phù hợp với từng loài. Đối với các tràu, thức ăn sử dụng là cá tạp kết hợp với chất tạo dính + men tiêu hóa, đồng thời thả bổ sung tôm, tép tươi vào ao cho cá ăn. Với cá rô, thức ăn phải là lúa ngâm kết hợp với thức ăn công nghiệp. Sau khoảng thời gian nuôi vỗ là thời kỳ cho cá sinh sản. Đàn cá được kéo lên kiểm tra, xác định độ thành thục, chọn lựa cá bố, mẹ rồi tiêm kích dục tố, sau đó áp dụng phương pháp thụ tinh tự nhiên và kích thích cho cá đẻ.
Chị Nguyễn Thị Hiên, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, người trực tiếp tham gia thực hiện dự án cho biết: Mặc dù cẩn trọng, tỉ mỉ vậy nhưng số lượng cá bột thu được so với các loài cá khác còn rất hạn chế. Đặc biệt, ở cá tràu sức sinh sản rất thấp, trung bình chỉ đạt 1.900 trứng/1kg cá cái. Bên cạnh đó, do bộ máy tiêu hóa của cá tràu phát triển chậm hơn so với các loài cá khác nên ở giai đoạn từ cá hương lên cá giống chúng không ưa sử dụng thức ăn chế biến nên tỷ lệ chết cao. Đồng thời ở giai đoạn này, cá còn có hiện tượng ăn thịt lẫn nhau, dẫn đến hao hụt đàn. Đối với cá rô Tổng Trường, tuy có sức sinh sản lớn nhưng tỷ lệ sống khi ương nuôi cũng rất thấp.
Như vậy có thể thấy việc sản xuất thành công trên 600 con cá tràu tiến vua và 10 vạn cá rô Tổng Trường giống đã là một nỗ lực lớn của cán bộ, công nhân viên Trung tâm.
Thạc sỹ Bùi Đình Đặng, cán bộ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết: cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua là 2 loài cá bản địa, chủ yếu xuất hiện ở vùng đầm lầy, hang động ở Hoa Lư. Việc cho sinh sản nhân tạo hai đối tượng này rất khó khăn, ngay cả những cơ quan nghiên cứu lớn mặc dù đã nghiên cứu được quy trình công nghệ rồi nhưng mức độ ổn định vẫn không cao. Với những thuận lợi do có điều kiện sinh thái gần sát với vùng mà hai loài cá này xuất hiện ngoài tự nhiên, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình là một trong những đơn vị tiên phong trong nghiên cứu phát triển, phổ biến rộng rãi hai đối tượng này. Tuy nhiên, kết quả của dự án chỉ là những thành công bước đầu. Thời gian tới, dự án cần tiếp tục được đầu tư triển khai để ổn định công nghệ, nhân nuôi thêm nhiều cá giống, tiến tới cung cấp giống ra thị trường. Đồng thời hoàn thiện quy trình nhân nuôi cá thương phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, phát triển nuôi cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và giảm áp lực khai thác các loài cá này ngoài tự nhiên. Đây cũng là giải pháp để góp phần bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới phát triển bền vững.