(TSVN) – Ngành cá tra được đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ thay thế HCG và chọn tạo giống theo hướng tăng trưởng, kháng bệnh gan thận mủ, chịu mặn đến nay đã đạt kết quả khả quan.
Hoàn thiện quy trình công nghệ thay thế HCG
Sản xuất giống cá tra ở nước ta phần lớn phụ thuộc vào nguồn kích dục tố HCG nhập từ nước ngoài, chủ yếu của Trung Quốc. Vì thế, giai đoạn COVID-19, việc hạn chế giao thương đã ảnh hưởng lớn nguồn HCG, bao gồm nguồn hóc môn sinh sản cho cá tra, gây ra khan hiếm ngắn hạn và nhiều cơ sở sản xuất cá giống cá tra trên cả nước phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng. Giữa năm 2023, ngành thủy sản có kế hoạch “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tra không sử dụng kích dục tố HCG”.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 trong nâng cao chất lượng giống cá tra “Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng (khả năng kháng bệnh, tỷ lệ fillet, mùi vị sản phẩm, tỷ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm, khả năng chịu mặn v.v..) theo nhu cầu thị trường; công nghệ vaccine phòng bệnh, di truyền phân tử… để nâng cao chất lượng giống cá tra”
Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tra không sử dụng kích dục tố HCG còn có tính cấp bách, bởi rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu ngày một xiết chặt, trong đó có việc hạn chế sử dụng kích dục tố HCG. Ở thị trường EU, Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ khuyến cáo về sử dụng HCG trong sản xuất cá tra giống của Việt Nam.
Việc hoàn thiện quy trình công nghệ thay thế HCG trong sản xuất giống cá tra được giao cho Viên Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện. Viện này cho biết, mục tiêu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống cá tra không sử dụng kích dục tố HCG và ương từ cá bột lên cá hương nâng cao tỷ lệ sống được triển khai tích cực, đã thu được kết quả rất khả quan. Cụ thể, đã tìm được những liều tối ưu cho tiêm dẫn và sơ bộ là 2 nghiệm thức trong 13 nghiệm thức thử nghiệm cho 3 loại chất kích thích là não thùy cá chép, sGnRHa và LH-Rha. Đồng thời, liều tối ưu cho tiêm quyết định 2 nghiệm thức trong 13 nghiệm thức thử nghiệm cho 3 loại chất kích thích là 17-20P, Buserelin và sGnRHa.
Kế hoạch năm 2025, thực nghiệm quy trình sinh sản nhân tạo sử dụng hoạt chất thay thế HCG. Cụ thể, từ tháng 1 – 4/2025, áp dụng tại 10 trại giống và thu thập số liệu để có thể khẳng định được trong sản xuất thực tế. Từ tháng 5 – 6/2025, đăng ký tiến bộ kỹ thuật/giải pháp hữu ích – gắn với doanh nghiệp đăng ký chất lượng, lưu hành.
Chọn giống theo hướng tăng trưởng
Đề tài “Nghiên cứu chọn giống nâng cao sinh trưởng cá tra thế hệ G5” giai đoạn năm 2023-2025, thuộc “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030” theo Quyết định số 3479/QĐ-BNN-KHCN ngày 13/9/2022 của Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Chương trình này triển khai song song với chương trình hoàn thiện quy trình công nghệ thay thế HCG, cũng do Viên Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.
Từ năm 2023 – 2025 với mục tiêu cụ thể: Chọn tạo được thế hệ cá tra G5 có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn 10% so với đàn G4. Kết quả đã sinh sản tạo 120 gia đình G5, khi thu hoạch, chọn lọc sẽ chuyển giao cho sản xuất giống phục vụ nuôi thương phẩm.
Chọn giống kháng bệnh gan thận mủ
Đề tài “Nghiên cứu chọn giống cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) kháng bệnh gan thận mủ” cũng do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện từ năm 2023- 2025. Mục tiêu cụ thể “Chọn tạo được đàn cá tra chọn giống kháng bệnh gan thận mủ thế hệ thứ hai (G2) được sinh sản từ đàn cá bố mẹ thế hệ thứ nhất (G1), đàn cá bố mẹ G2 có khả năng kháng bệnh gan thận mủ cao hơn 5 – 7% so với thế hệ G1”.
Đến nay đã sinh sản tạo 160 gia đình G2, thu hoạch và xử lý số liệu cho chọn lọc G2.
Chọn tạo giống cá tra chịu mặn
Đây là dự án được Viện Hàn lâm về Nghiên cứu và Giáo dục sau đại học (ARES) và Uỷ ban Hợp tác phát triển (CCD) thuộc Vương quốc Bỉ tài trợ, giao cho Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Liège và Trường Đại học Namur (Vương quốc Bỉ) thực hiện. Mục tiêu chính của dự án là phát triển dòng cá tra chịu mặn để thích ứng với sự gia tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL thông qua phương pháp chọn lọc di truyền.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã sẵn sàng cung cấp giống cá tra có khả năng chịu mặn và sinh trưởng nhanh cho người dân, góp phần phát triển bền vững ngành cá tra trong vùng.
Sáu Nghệ