Hướng đến ngành tôm bền vững: Công nghệ nào sẽ lên ngôi?

Chưa có đánh giá về bài viết

Hơn 10 năm lại đây, ngành tôm nuôi Việt Nam phát triển rất nhanh, từ quy mô lớn của doanh nghiệp đến các hộ nhỏ lẻ, rất nhiều công nghệ đã được áp dụng trong quá trình nuôi, nhưng tổng kết lại vẫn thiếu một… công nghệ chuẩn.

Nan giải trong nuôi tôm truyền thống

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, người nuôi tôm ở Việt Nam đã bắt đầu áp dụng công nghệ nuôi tôm truyền thống, nhưng đây vẫn đơn giản là quy trình kỹ thuật của các hình thức nuôi như: quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh.

Nuôi quảng canh là sự khởi đầu trong nghề nuôi tôm, là hình thức nuôi an toàn, không sử dụng hóa chất. Với mật độ thả nuôi thưa (1 con tôm/m2), sử dụng thức ăn tự nhiên và hầu như không phải chăm sóc, hình thức nuôi này có thể cho thu hoạch đều hằng năm nhưng năng suất thấp. Nó không phù hợp khi nhu cầu sản phẩm tôm trên thị trường ngày một tăng, nên nhanh chóng được thay thế bằng các hình thức nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh, cho năng suất và sản lượng cao hơn. Tuy nhiên, mặt trái của các hình thức này là người nuôi sử dụng nhiều loại kháng sinh và hóa chất để xử lý môi trường nước. Lượng chất thải từ thức ăn và hóa chất trong quá trình nuôi dần tích tụ, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến tôm nuôi.

Cùng với những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, hình thức nuôi thâm canh ra đời với mật độ thả nuôi và năng suất cao hơn nhiều lần (10 – 12 tấn/ha). Tuy nhiên, khối lượng hóa chất, thuốc kháng sinh phục vụ nuôi cũng lớn hơn, trong đó có cả những hóa chất độc hại. Vì thế, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuất hiện và bùng phát là điều dễ hiểu, như đốm trắng, đầu vàng, EMS… đã trở thành đại dịch tàn phá các vùng nuôi tôm trọng điểm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… gây tổn thất rất lớn về kinh tế cho người nuôi và toàn ngành.

Sự phát triển quá nóng này đã đặt ra cho ngành tôm yêu cầu cấp thiết là phải có quy trình công nghệ nuôi giải quyết được những vấn đề nan giải trên. Và sự xuất hiện của công nghệ sinh học trong nuôi tôm được coi như “cứu cánh”, đáp ứng được các tiêu chí mà nuôi tôm đang hướng đến.

 

Sự hợp lý của công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học được áp dụng nhiều trong nuôi tôm ở nước ta mới chỉ một vài năm. Nó bắt đầu bằng một số chế phẩm sinh học và men vi sinh nhập về từ nước ngoài, dùng để xử lý môi trường, áp dụng với nuôi thâm canh và bán thâm canh. Ưu điểm của công nghệ sinh học này là sử dụng vi khuẩn phân hủy chuyển hóa các chất thải hữu cơ trong quá trình nuôi thành những dạng không độc, giúp cho ao nuôi ít bị ô nhiễm, hạn chế sử dụng hóa chất, giúp tôm khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, tỷ lệ thành công cao, năng suất ổn định. Quy trình này được chú trọng bởi tính thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và người tiêu dùng, đặc biệt sau khi dịch bệnh bùng phát.

Nhiều doanh nghiệp đang nuôi tôm theo công nghệ sinh học – Ảnh: Phan Thanh Cường

Chế phẩm sinh học và men vi sinh đang được sử dụng nhiều trong nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh. Theo kết quả khảo sát, những ao nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học và men vi sinh tỷ lệ thành công cao hơn ao khác 20 – 30%. Mặt khác, nghề nuôi tôm nước ta phần lớn vẫn ở quy mô nông hộ với diện tích nhỏ lẻ, nên việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi là một hướng đi hợp lý. Với chi phí cho sử dụng chế phẩm sinh học và men vi sinh 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ, là mức chi phí vừa phải, người nuôi tôm nhỏ lẻ có thể chấp nhận được.

Ngoài ra, hình thức nuôi tôm Biofloc của công nghệ sinh học cũng đã được ứng dụng vào nuôi tôm ở nước ta vài năm gần đây. Công nghệ này giải quyết được hai vấn đề trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng, đó là loại bỏ các chất dinh dưỡng chuyển hóa vào sinh khối vi khuẩn dị dưỡng xử lý nước ao nuôi và sử dụng nó để làm thức ăn bổ sung tại chỗ cho tôm nuôi, giảm được chi phí thức ăn. Với số tiền đầu tư 100 – 150 triệu đồng/ha, tuy cao nhưng bù lại không phải sử dụng hóa chất xử lý, giảm khả năng dịch bệnh xuống 5%. Ngoài ra, năng suất có thể đạt 40 – 50 tấn/ha/vụ, hệ số chuyển hóa thức ăn thấp, chi phí sản xuất giảm 15 – 20%, mang lại lợi nhuận cao gấp 3 – 4 lần đối với nuôi thâm canh bình thường.

Công nghệ này được nhiều công ty áp dụng nuôi thành công như Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long, Công ty TNHH Anh Việt… Tuy nhiên, để áp dụng Biofloc vào nuôi tôm có hiệu quả, người nuôi cần được tập huấn kiến thức cơ bản về quy trình, đồng thời phải có sự chuẩn bị đồng bộ về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

 

Một “con đường chuẩn”?

Công nghệ sinh học đang đem lại hiệu quả cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, để người nuôi lựa chọn chế phẩm cho công nghệ áp dụng cũng là cả một vấn đề. Hiện có đến 88 thương hiệu chế phẩm sinh học trên thị trường nước ta. Việc có quá nhiều thương hiệu cho một vài sản phẩm sinh học đã gây trở ngại lớn, liệu những sản phẩm trên có hoàn toàn đạt chất lượng?

Tuy chưa có nghiên cứu nào về những loại chế phẩm không đạt chất lượng hay làm giả ảnh hưởng đến chất lượng tôm thương phẩm nhưng rõ ràng những sản phẩm này khi sử dụng trong nuôi tôm sẽ không có tác dụng, không phân hủy được các chất thải hữu cơ trong nước và kìm hãm các vi khuẩn gây bệnh. Một số loại hóa chất sẽ không được phân giải hoặc lắng tụ từ đó làm cho nước ao ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát. Mặt khác, chất lượng tôm sống sau thu hoạch không đảm bảo. Sẽ rất khó biết những chế phẩm sinh học kém chất lượng, trong khi người nuôi “tiền mất, tật mang”.

Để nghề nuôi tôm ở nước ta thực sự phát triển bền vững, một chế tài quản lý chặt chẽ các sản phẩm sinh học từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời hợp tác cùng các viện nghiên cứu, các công ty đưa ra được các công nghệ, chế phẩm mới có tính ứng dụng thực tế cao. Khuyến khích các doanh nghiệp và người dân có khả năng tài chính sử dụng công nghệ hiện đại vào nuôi tôm.

Đối với người nuôi tôm hiện nay, khi sử dụng bất cứ một sản phẩm sinh học nào nên hiểu rõ cơ chế, tác dụng của nó, đồng thời cần giao lưu, tham vấn từ các mô hình nuôi thành công để có sự lựa chọn sản phẩm hiệu quả nhất. Ngoài ra, cần thành lập các hội nuôi tôm ở địa phương để có tiếng nói chung và có những giao kèo, ràng buộc trách nhiệm đối với các nhà cung cấp khi xảy ra sự cố.

Hiện nay, việc áp dụng sản phẩm sinh học vào nuôi tôm đã phổ biến ở hầu hết các vùng nuôi trên  cả nước. Tuy nhiên đối với mỗi vùng miền, mỗi đối tượng, quy trình và giai đoạn nuôi cần một loại chế phẩm phù hợp, do vậy người dân phải thật tỉnh táo để có được sự lựa chọn tốt nhất.

>> Có thể người nuôi muốn nhanh thu hồi vốn, muốn nuôi năng suất cao nên không áp dụng công nghệ nuôi an toàn sinh học, khi bị thất bại họ mới tìm đến công nghệ này.

Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!