Ngày 1/10, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Hệ thống Kiểm dịch động thực vật (SPS) tại các nước khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA)”. Tham dự có ông Trần Trung Thực, Vụ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam; ông Stale Risa, Đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu những quy định chung về hệ thống SPS của khối EFTA, phổ biến các quy trình cụ thể để doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu vào EFTA theo các nhóm mặt hàng: Động vật (thịt và thủy hải sản), thực vật (ngũ cốc và rau quả), thực phẩm chế biến và dược phẩm. Ngoài việc giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hệ thống SPS mà các nước thành viên EFTA đang áp dụng, các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, đưa ra thắc mắc với các cơ quan quản lý, chuyên gia về cách thức khai thác thị trường này.
Trên cơ sở tiềm năng hợp tác kinh tế giữa EFTA và Việt Nam cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ năm 2009, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và khối EFTA đã nhất trí sẽ nâng tầm hợp tác kinh tế hai bên thông qua thảo luận một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và khối EFTA. Từ ngày 22 – 25/5/2012, Việt Nam đã tiến hành đàm phán phiên đầu tiên FTA với khối EFTA và tới nay, hai bên đã trải qua 5 phiên đàm phán FTA. Song song với đàm phán FTA, ngày 3/7/2012, khối EFTA đã cùng Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về việc các nước khối EFTA công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Hiệp định thương mại tự do này được đánh giá là toàn diện, phù hợp các nguyên tắc của WTO và đem lại lợi ích cho cả hai bên. Hiệp định sẽ bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác mà hai bên quan tâm. Đặc biệt, về thủy sản, EFTA là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Hiểu rõ quy định chung SPS, giúp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Ông Trần Trung Thực cho rằng, để mở cửa thị trường hàng hóa, bên cạnh việc đàm phán cắt giảm và loại bỏ thuế quan, đàm phán về kiểm dịch động thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hàng nông sản và thủy sản Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh hơn sang thị trường các nước thành viên EFTA nói riêng và các nước châu Âu nói chung.
>> Được thành lập ngày 3/5/1960, EFTA như một khối mậu dịch khác cho các nước châu Âu không gia nhập Liên minh châu Âu. Hiện, khối EFTA có 4 hội viên chính thức là Thụy Sĩ, Na Uy, Ireland và Lichtenstein. EFTA là một liên kết kinh tế không lớn nhưng năng động, đặc biệt, trong khối này có một số thị trường có tiềm năng đối với xuất khẩu của Việt Nam như Thụy Sĩ và Na Uy. |