Lênh đênh khắp Tây Nam bộ với sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm…; rong ruổi qua cả Biển Hồ bên Campuchia, những phận thương hồ thể hiện rõ nét nhất tính cách hào sảng, thật thà, chân chất nhưng bấp bênh trong cuộc mưu sinh.
Muôn nẻo bôn ba
Chỉ một chiếc ghe chừng 2 tấn trở lên, một gia đình thương hồ có thể “sống khỏe” và lênh đênh khắp đồng bằng này. Nghề nghiệp của người thương hồ là buôn bán. Mùa nào thức ấy, hàng hóa đa phần là trái cây, nông sản, thủy sản được mua đi bán lại.
Phận thương hồ là những chuyến đi…
Xuống chiếc ghe 8 tấn của gia đình ông Tư Thảnh ở chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) thấy ông cùng cậu con 16 tuổi đang vác dưa sang ghe bên cạnh cho khách. Bà Năm Hồng, vợ ông, cặm cụi ghi chép sau mỗi lần cô con gái út lanh lảnh cất tiếng đọc số ghi trên chiếc cân bàn màu xanh. Đời thương hồ ai có việc người ấy. Chừng nửa tiếng sau, hết hàng, pha ấm trà ngồi trên mũi ghe, ông Tư Thảnh tâm sự: Mới vô miệt Gò Công Tây, Chợ Gạo (Tiền Giang) lấy dưa về. Mùa này bên ấy dưa rẻ, chỉ hơn 3.000 đồng/kg dưa ngon; về đây bán lại, 5kg lời được 1.000 đồng. Đủ lo cuộc sống 4 người.
Chia tay ông Tư Thảnh, chúng tôi sang chiếc ghe của gia đình anh Hai Phước, người Hồng Ngự (An Giang). Hai Phước từng đi bộ đội, đóng ở biên giới Tây Nam. Xuất ngũ, anh làm bảo vệ công ty trên Sài Gòn được mấy năm thấy ngột ngạt nên vay 70 triệu đồng mua “con” ghe 8 tấn, sống đời thương hồ. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần chục năm. Anh bảo, vợ chồng mình mới vô Mang Thít, Long Hồ (Vĩnh Long) lấy hàng xong, neo ở đây dăm bữa, bán hết lại chạy ngược lên Lai Vung, Mỹ Luông (Đồng Tháp) tìm mối. Nếu chưa đầy ghe thì ngược tiếp lên Tri Tôn, Tân Châu (An Giang). Mà giờ mình còn đi ít chứ mùa nước nổi có khi sang tận Campuchia.
Không riêng gì anh Hai Phước, ông Tư Thảnh hay bà Năm Hồng mà bất cứ ai đã mang phận thương hồ đều chung cảnh nay đây mai đó.
Nguy hiểm
Ông Nguyễn Văn Bân, người gốc Giồng Trôm (Bến Tre), một chủ ghe sống đời thương hồ gần 50 năm, tâm sự: Một đời sống trên sông, ông thuộc kênh rạch, con nước miền Tây này như lòng bàn tay. Những đoạn sông nguy hiểm nhất ở đây phải kể đến đoạn ngã ba sông Vàm Nao (An Giang). Đoạn này tuy ngắn nhưng nước chảy xiết vì nó là nơi giao nhau giữa sông Tiền và sông Hậu.
Ngoài ra, những đoạn sông ở Định An, Cung Hầu (Sóc Trăng) cũng rất nguy hiểm vì dòng xoáy mạnh, non tay là dễ bị lật ghe thuyền. Ông Bân kể, hồi trước giải phóng, ông còn chạy ghe chung với anh Bảy Thuận, người Kế Sách (Sóc Trăng). Một đêm, hai anh em mới chất đầy sơ-ri, chôm chôm, thanh long ở Gò Công Đông chạy về Kiên Giang, tới đoạn Thới Lai đi Cò Tuất thì gặp con nước xoáy, vật lộn mấy tiếng đồng hồ cũng chỉ kịp neo ghe vào sát bờ, còn hàng hóa thì phải vứt hết xuống sông.
Theo những người sống thương hồ lâu năm, mùa nước nổi, khắp vùng đồng bằng đều ngập nước nên rất nguy hiểm, vì khi ấy con nước thường không chảy theo dòng, dễ tạo xoáy “đánh úp” ghe tàu. Ngoài ra, chuyện cướp bóc cũng thường xảy ra. Bà Loan “mập”, một chủ ghe ở chợ nổi An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) chia sẻ: Chồng chết cách đây đã hơn chục năm, bà cùng 3 con chỉ biết bấu víu vào cái ghe 5 tấn này mưu sinh sông nước. Ai ngờ, tháng trước, giữa một đêm mưa gió, có mấy thằng choai choai chạy ghe vỏ lãi tốc độ cao cặp vào ghe mình xin mấy triệu… xài chơi. Nhìn chúng lăm lăm dao búa, bà phải van xin và “biếu không” 1 triệu đồng chúng mới chịu đi. Còn như ghe anh em nhà Hiệp, Bình neo bên kia, chúng vô xin không được nên tức, đêm sau lén đập bể vỏ ghe, may phát hiện kịp nên không bị chìm.
Tình yêu và cuộc đời
Với những chàng trai, cô gái sống nghề sông nước, tình yêu của họ đôi khi cũng mong manh bất định như con nước chảy trôi. Những dòng sông gặp nhau và những dòng sông lại trôi về muôn hướng. Vậy nhưng, cũng có nhiều chuyện tình thương hồ đẹp, có hậu, với đầy ắp tiếng cười trẻ thơ trong khoang thuyền nhỏ.
Một buổi hoàng hôn trên chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ), chị Nguyễn Thị Trà tâm sự: “Tôi sinh ra ở Cái Vàm Đôi (Phú Tân, Cà Mau), theo cha mẹ sống cùng sông nước từ năm 11 tuổi, đến nay đã 9 năm. Hồi trước Tết, tôi quen anh ấy, cũng người thương hồ. Cả tháng có khi mới được ngồi bên nhau một bận.
Những mối tình đẹp và lãng mạn của những chàng trai, cô gái nơi sông hồ thường bắt đầu như thế. Ngồi trên chiếc ghe dài chừng 12 mét có mái gỗ tràm khá chắc chắn, anh Tâm, chồng chị Hảo, tâm sự: “Chúng tôi gặp nhau trong một lần neo ở ngã ba sông Cổ Chiên bốc dừa. Sau đó, bên vợ thách cưới một cái ghe. Tôi cùng gia đình vay mượn, mua ghe rồi mới rước cô ấy về. Hôm cưới, hơn chục chiếc ghe ở Phong Điền này đều trưng cờ hoa, đông vui nhộn nhịp. Hơn một năm qua, hai vợ chồng mưu sinh bằng cái “ghe thách cưới” này…
Có lênh đênh, có hiểm nguy, nhưng cuộc sống của thương hồ cũng khá ổn định. Nhà nào ghe lớn, biết tính toán, mỗi chuyến hàng có thể lãi cả chục triệu đồng, bình thường cũng 2 – 3 triệu, sau khi trừ chi phí cũng đủ trang trải cuộc sống. Với họ, thế là ổn lắm rồi.
>> Sinh ra, lớn lên cùng sông nước, học bơi từ trước khi học chữ, lênh đênh, rong ruổi khắp nơi, những phận người thương hồ bấp bênh trong cuộc sinh nhai. Cứ thế, đời con tiếp nối đời cha, sinh ra, lớn lên rồi thậm chí chết đi cùng sông nước. |