Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nêu vấn đề đáng quan tâm “quy hoạch để bảo vệ giống cá tra”. Cũng có thể nhấn mạnh, để bảo vệ giống cá tra phải coi trọng công tác quy hoạch. Phát biểu của ông Vàng được đúc rút qua tìm hiểu kinh nghiệm bảo vệ cá hồi của Na Uy và xem xét kỹ thực trạng trong nước nên khá thuyết phục.
Sản xuất giống cá hồi ở Na Uy, theo ông Vàng, từ cá bột thành cá giống đạt tỷ lệ đến 90%. Còn cá tra ở nước ta, từ cá bột thành cá giống chỉ đạt chừng 10 – 15%. Quá trình nuôi, cá tra lại hao hụt rất lớn, có nơi đến 55%.
Nguyên nhân thì Tổng cục Thủy sản cũng đã chỉ ra, do cá bố mẹ thoái hóa, người sản xuất giống ít kinh nghiệm hoặc chạy theo lợi nhuận trước mắt. Chất lượng cá giống thấp nên cá nuôi lắm bệnh, quá trình nuôi phải sử dụng nhiều kháng sinh, thuốc hóa chất liều cao. Hành trình tốn kém ấy đưa đến hậu quả, chi phí nuôi cá rất cao, bào mòn hết lợi nhuận của người nuôi cá, thậm chí làm cho người nuôi cá dễ bị thua lỗ.
Và trong các nguyên nhân, có một nguyên nhân được nêu lên hàng đầu: Phát triển tự phát. Sản xuất và kinh doanh cá tra tự phát nên liên tục chao đảo giữa hai thái cực thừa – thiếu, gặp phản ứng của thị trường dễ tan biến lợi nhuận ít ỏi tích lũy được. Toàn bộ tác động tiêu cực ấy dội trực tiếp xuống khâu sản xuất cá giống, ở mức như báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhiều cơ sở sản xuất giống phải bỏ đói cá. Đàn cá bố mẹ 101.000 con vừa được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 cung cấp, đã có nguy cơ giảm chất lượng.
Còn kinh nghiệm quản lý cá hồi của Na Uy, hàng đầu cũng là phát triển có quy hoạch, kế hoạch để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Việc nuôi được cấp phép để đảm bảo số lượng và chất lượng phù hợp, cứ một giấy phép được hạn mức nuôi 780 tấn, lệ phí 2 triệu USD, đóng cho Bộ Thủy sản. Nuôi vượt hạn mức giấy phép thì phần sản lượng vượt bị tịch thu. Nuôi theo quy hoạch và kế hoạch chặt chẽ nên sản xuất giống được tính toán hợp lý để đầu tư khoa học kỹ thuật tiên tiến. Cá hồi bố mẹ và cá bột, cá giống được chăm sóc theo quy chuẩn, được tiêm phòng bệnh chu đáo, giữ được chất lượng tốt.
Vấn đề quy hoạch nuôi và chế biến cá tra cũng đã được đặt ra nhiều năm nay. Từ năm 2010, Bộ NN&PTNT từng nêu chủ trương cấp hạn ngạch nuôi cá tra cho từng địa phương. Tiếp đó, còn có đề xuất đánh số vùng nuôi, ao nuôi để quản lý chặt sản lượng và đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đáng tiếc, tất cả mới là phát biểu ở các diễn đàn hoặc câu chữ trên giấy.
Hiện nay, “Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” đã hoàn chỉnh dự thảo cuối cùng để Chính phủ ban hành. Trong đó, nội dung quy hoạch được nêu lên hàng đầu với nguyên tắc: “Phát huy lợi thế và tiềm năng của các địa phương, phù hợp với khả năng tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thị trường trong và ngoài nước”. Hy vọng, Nghị định sớm được triển khai vào thực tế để bảo vệ giống cá tra đã ở mức khẩn cấp.