Sáng 23/10, tại Hà Nội, Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã tổ chức cuộc họp góp ý cho bản Dự thảo Đề án Thí điểm “Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chủ trì.
Trình bày về tính cấp thiết của Đề án, ông Nguyễn Văn Do, Trưởng phòng Dịch vụ Hậu cần nghề cá (Cục KT&BVNLTS) cho biết, từ cuối năm 2012, hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ, đặc biệt là với cá ngừ đại dương gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng tàu và sản lượng khai thác tăng nhanh, nhưng chất lượng, giá trị, cơ cấu sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lại thấp, tiêu thụ khó, hiệu quả sản xuất không cao đã ảnh hưởng đến đời sống ngư dân. Đồng thời, tác động xấu đến uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân do khai thác cá ngừ là một nghề cá nhỏ, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường; Đặc biệt, trong sản xuất cá ngừ chưa tạo liên kết giữa các bên trong chuỗi từ khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ.
Hiện, nghề khai thác cá ngừ có 3 công nghệ là lưới vây, lưới rê và câu, tuy nhiên, công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn tồn tại nhiều hạn chế như hầm bảo quản đa số sử dụng chất liệu là xốp ghép, khả năng giữ lạnh thấp; thời gian xử lý, sơ chế, phân loại và rửa cá kéo dài, cá không đạt chất lượng ăn tươi… Về mối liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất chưa thực sự hiệu quả, thể hiện: phương thức tổ chức sản xuất ở quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đảm bảo yêu cầu; nhận thức, ý thức cộng đồng trong liên kết chưa cao; chưa có sự liên kết giữa khai thác với thu mua và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, lợi ích giữa các bên chưa hài hòa, sản phẩm của người dân còn phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp và cơ sở thu mua, nậu vựa… Trong chuỗi sản xuất của nghề cá ngừ thì khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và thu mua, tiêu thụ cá ngừ là những khâu yếu nhất, đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng và giá trị sản phẩm cá ngừ. Do vậy, nghề khai thác cá ngừ phát triển có chất lượng, hiệu quả, bền vững cần tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sự thay đổi căn bản từ sản xuất “định hướng” sang thị trường “định hướng”, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; Đồng thời, qua đó hỗ trợ và chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi, giảm tổn thất và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ.
Dự thảo Đề án thí điểm gồm 5 phần, với mục tiêu chung là sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, nâng cao chất lượng, giá trị, mang lại lợi ích các bên tham gia; Phát triển ngành cá ngừ hiệu quả, bền vững trên cơ sở định hướng của thị trường. Phạm vi thực hiện tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, trong thời gian từ 2014 – 2020.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đưa ra rất xác đáng. Ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Khánh Hòa cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là giá cá ngừ, đây là nhân tố quan trọng nhất đối với nghề khai thác cá ngừ; Đồng thời, cũng đồng tình với việc thành lập chợ đấu giá để tránh tình trạng ngư dân bị ép giá, tranh giành giá giữa các đơn vị thu mua. Cùng quan điểm này, ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc thiết lập chợ đấu giá là rất cần thiết, tuy nhiên, điều quan trọng là cần cấp vốn cho ngư dân, nếu không chỉ có các nậu vựa thu mua thì hiệu quả không cao, người dân vẫn không có lợi nhuận. Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam Vũ Đình Đáp cũng cho rằng, mục tiêu của Đề án thí điểm trong giai đoạn 2014 – 2017 là khá lớn, khó thực hiện được, cần tìm ra đâu là khâu yếu nhất trong chuỗi để có mục tiêu và giải pháp cụ thể và cần gắn vai trò ngân hàng vào chuỗi liên kết sản xuất.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh, cần xem xét việc để tên Đề án là Đề án thí điểm hay không vì nội dung trong Đề án khá lớn, nếu chỉ làm thí điểm thì không thể thực hiện được; Cùng đó, cần lựa chọn ra được Dự án ưu tiên trong thời điểm này để có mục tiêu và giải pháp phù hợp. Ban soạn thảo cũng cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu để có sự điều chỉnh phù hợp, sớm trình Bộ phê duyệt và được Chính phủ ban hành. Nhằm tạo điều kiện và hiệu quả tốt nhất trong khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.
>> Mục tiêu của Đề án thí điểm “Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” đến năm 2020, tàu khai thác các ngừ được quản lý bằng cấp phép sản lượng khai thác, hoạt động theo các mô hình tổ đội, liên kết sản xuất trên biển; 50% tàu đóng mới khai thác cá ngừ bằng vật liệu vỏ thép hoặc vật liệu mới; 100% tàu đóng mới được trang bị hệ thống bảo quản tiên tiến; Giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%. |