Hiện nay ở Na Uy, sản xuất giống cá hồi từ cá bột thành cá giống đạt tỷ lệ đến 90%. Nhìn lại ngành cá tra Việt Nam, bao giờ mới được như vậy?
Trong các báo cáo của Bộ NN&PTNT đều cho thấy chất lượng cá tra giống của nước ta đã giảm đến mức báo động. Tỷ lệ thiệt hại do dịch bệnh có xu hướng ngày càng tăng, tỷ lệ hao hụt khá lớn, cá biệt có một số nơi tỷ lệ hao hụt trung bình trong cả vụ nuôi 20 – 55%. Nguyên nhân là do chất lượng cá tra bố mẹ không cao, phát triển tự phát, người nuôi ít có kinh nghiệm hoặc chạy theo lợi nhuận trước mắt, môi trường không thuận lợi.
Sản lượng cá giống liên tục tăng, trong khi chất lượng liên tục giảm, cá nuôi mắc nhiều bệnh và xuất hiện rải rác suốt vụ. Các bệnh thường gặp hiện nay: gan thận mủ, xuất huyết, trắng gan và trắng mang, vàng da (tập trung nhiều ở các ao khi cá còn nhỏ, dưới 0,3 kg). Bệnh trên cá nhiều, khó chữa còn do trong chu trình ương dưỡng giống sử dụng kháng sinh, thuốc hoá chất liều cao để tăng tỷ lệ sống, làm cá giống kiệt sức và nhờn thuốc.
Sản lượng cá tra giống nước ta liên tục tăng trong khi chất lượng liên tục giảm – Ảnh: PTC
Vừa qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã cung cấp 101.000 con cá bố mẹ hậu bị cho vùng ĐBSCL để thay thế đàn cá tra bố mẹ đã thoái hoá. Từ nguồn cá bố mẹ mới được cung cấp, một số địa phương đã sản xuất được cá giống khá tốt, như tỉnh Bến Tre, có 4 cơ sở sản xuất, con giống có tỷ lệ sống đến khi đạt kích cỡ cá hương cao hơn, độ nhanh nhạy của cá con và tốc độ tăng trưởng tốt hơn từ nguồn cá tra bố mẹ khác.
Tuy nhiên, những kết quả như thế còn nhỏ và lại đang bị đe dọa khi sản xuất giống không có lợi nhuận thích ứng. Đó là tình trạng người nuôi cá tra thua lỗ kéo dài nên “treo ao” hoặc chuyển sang nuôi loại cá khác, sản xuất giống cá tra khó bán hoặc bán với giá thấp. Sáu tháng đầu năm 2013, giá cá tra bột giảm 30 – 50% so năm 2012, giá cá tra giống cũng giảm 15 – 20%. Theo Bộ NN&PTNT, do giá cá giống thấp và nhu cầu thả giống giảm nên ngay cả những cơ sở sản xuất giống tốt trên (ở Bến Tre) cũng cho ăn cầm chừng, thậm chí bỏ đói, dẫn đến chất lượng bị giảm sút trong những lần sinh sản tiếp theo. Số hộ ương nuôi cá giống cũng có tình trạng tương tự là cho cá ăn đủ duy trì sự sống để chờ giá.
Quy hoạch nuôi cá tra đã trở thành yêu cầu bức thiết, đặt ra nhiều năm nay nhưng chưa thực hiện được. Sau chuyến đi Na Uy tháng 3/2013, tôi càng đinh ninh, để bảo vệ cá tra Việt Nam, không có con đường nào khác ngoài con đường phải bắt đầu từ quy hoạch để hoạt động có kế hoạch. Cá hồi Na Uy được quy hoạch rõ ràng và duy trì nghiêm bằng các giấy phép về sản lượng nuôi, nếu nuôi vượt mức cho phép thì số lượng vượt bị tịch thu. Qua đó, sản xuất giống được tính toán hợp lý để đầu tư khoa học kỹ thuật tiên tiến. Cá hồi bố mẹ và cá bột, cá giống được chăm sóc theo quy chuẩn, được tiêm phòng bệnh nên đạt tỷ lệ từ cá bột lên cá giống đến 90%. Một tỷ lệ mà cá tra nước ta hiện nay mơ ước, dù đã có thời đạt tỷ lệ ấy.
Trong “Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” của Chính phủ, nội dung quy hoạch đã được nêu lên hàng đầu với nguyên tắc: Phát huy lợi thế và tiềm năng các địa phương, phù hợp với khả năng tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thị trường trong ngoài nước. Nuôi cá tra là ngành có điều kiện mà đầu tiên là phù hợp quy hoạch. Các cơ sở chế biến phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nghĩa là phải gắn với nuôi, phù hợp quy hoạch. Nghị định cũng nêu rõ “Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng liên kết nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra; đầu tư hạ tầng ở các vùng nuôi, hạ tầng phục vụ chế biến cá tra phù hợp với quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đã được phê duyệt”. Hy vọng, khi Nghị định được áp dụng nghiêm túc sẽ nâng dần chất lượng cá giống và giống cá tra sẽ được bảo vệ.
>> Hiện nay, vùng ĐBSCL có gần 200 trang trại sinh sản cá bột, với trên 4.000 hộ ương cá giống. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng con giống rất thấp, do hầu hết các cơ sở sản xuất cá tra giống sử dụng cá bố mẹ chọn từ cá thịt, khiến con giống bị thoái hóa. |